Cuộc đối thoại trong tưởng tượng
7.3. SỰ LỰA CHỌN CỦA TÔI
Bốn mươi năm làm việc ở Đài, nghĩa là tôi đã hiến cả tuổi xuân cho sự nghiệp làm báo nói, báo hình, cũng có nghĩa là tôi đã có dịp hiểu biết về các ngóc ngách của nghề nghiệp. Đồng thời, tôi cũng biết ít nhiều về những lĩnh vực khác của đời sống. Tôi sống và làm việc với hàng trăm người, già trẻ, trai gái; được nhiều người yêu mến. Khi nghỉ hưu đã lâu rồi, lúc trái nắng trở trời, vẫn được nhiều anh chị em thăm hỏi. Hồi Covid, chung cư nhà tôi có người nhiễm F0, khu vực bị phong tỏa cả tháng trời; lúc ấy vẫn có cô em cùng cơ quan cũ tuần nào cũng tiếp tế rau quả, thực phẩm. Có ông bạn còn sai con mang đến cho tôi chai rượu ngoại mà con gái ông vừa xách tay từ nước ngoài về. Ấy thế, nhưng số người ganh ghét cũng không ít. Hồi tôi làm Trưởng ban Truyền hình, chỉ riêng cái “tội” tôi cấm anh em trong Ban không được gợi ý xin phong bì của cơ sở, đã khiến không ít người ngấm nguýt, thậm chí có đơn khiếu tố.
Nhiều anh em bảo tôi mát tay, nhận vài chục người về làm phóng viên, người nào cũng thăng tiến cả. Có người lên chức Giám đốc, Phó Giám đốc Đài, và nhiều Trưởng, Phó ban của Đài; thế mà sau ngần ấy năm, tôi vẫn quanh quẩn Trưởng ban này, Giám đốc công ty nọ. Có anh bạn thân còn bới ra được lương hưu của tôi thậm chí kém vài người tôi nhận về Đài, sau cũng làm Trưởng Ban như tôi. Nhiều người ra vẻ tế nhị, gợi ý: "Sao anh tâm huyết với truyền hình như thế mà lại không ở lại cùng anh em?" Nhưng cũng có người chẳng cần ý tứ gì, nói thẳng băng: "Tại sao một cái chân Phó Giám đốc Đài, đến Xuân Kí còn làm được mà ông đã từng cầm tay chỉ việc cho các ông ấy lại không được làm?"
Khách sạn Daewoo, Hà Nội
Cuộc sống giản dị của nhà báo trẻ
Rất nhiều lần tôi gặp câu hỏi như vậy. Thường tôi né tránh, không muốn bàn chuyện này. Anh em lại càng bức xúc hơn, “Hay là? Hay là?” Rất nhiều sự suy diễn. Thậm chí anh em đối chiếu tiêu chuẩn, tôi đã đảm nhiệm bao nhiêu công việc, đề xuất bao nhiêu thay đổi được cấp trên chấp thuận, đem lại bao nhiêu lợi ích cho tập thể; cuộc sống gia đình tôi thanh bạch, bản thân tôi có thể có khuyết điểm này nọ nhưng về tư cách người làm báo, tư cách người Đảng viên, ít nhất không có điều gì đáng chê trách. Người ta còn nói đến tôi đã nhiều năm tháp tùng Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thành phố, tổ chức cả cuộc họp về điển hình Thanh Mai, có Chủ tịch Thành phố dự và kết luận hội nghị. Cũng có người biết tôi thân tình với nhiều đồng chí sau này ngồi vào ghế Trưởng ban Tổ chức, hay Phó Bí thư Thành ủy. Thậm chí có lần anh Hải, cán bộ Ban Tổ chức Thành ủy cứ thắc mắc hoài với tôi: "Tại sao ông Đĩnh, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, bỏ cả công việc trong Đại hội, dành hàng tiếng đồng hồ tâm sự với ông?" Những lúc ấy tôi khó trả lời trực tiếp, vì có chuyện không tiện nói, có chuyện nói cũng khó tin. Có người còn biết cả tôi từng chụp ảnh chung với ông Trưởng ban Tổ chức Chính quyền thành phố trên tầng thượng tòa nhà Daewoo, hoặc đã từng dự nhiều cuộc trà dư tửu hậu với ông Hoàng Vụ, sau này về làm Phó Bí thư Thành ủy. Thậm chí có lần anh Tiến Đức, Phó Chủ tịch Thành phố bị tạm thời nghỉ việc, nhiều anh em ngại gần gũi anh, nhưng vì được anh coi như cậu em út nên tôi vẫn qua lại nhà anh; nhiều lần còn đèo anh đi uống bia hơi tận quán bia ngã ba Yên Phụ - An Dương. Những chuyện vụn vặt ấy tưởng như chẳng có liên quan gì đến con đường tiến thân của tôi; nhưng nhiều người cũng nhỏ, to, thầm thì, cho là những chi tiết thú vị để giải thích tại sao tôi có mối quan hệ sâu rộng, thân tình với nhiều quan chức Thành phố như vậy lại không thể tạo ra một lợi thế về chỗ đứng hợp lý cho bản thân mình.
Đơn giản thôi. Hồi tôi chưa lập gia đình riêng, tôi thường sống ở 26 Hàng Dầu, ngay trên bàn làm việc, hoặc trên chiếc giường cá nhân kê sau chiếc tủ tài liệu. Đồ dùng riêng và trang phục chỉ có vài bộ quần áo, đựng trong chiếc ba lô nhét vào một ngăn tủ. Hàng ngày ăn cơm tập thể, tối tối nằm giường cá nhân. Mỗi khi cấp trên điều động đi công tác thường không báo trước, bỗng có một cú điện thoại, rồi khoảng 15 phút sau, xe của Ủy ban đỗ ngoài cửa, thế là tôi xách chiếc túi dết xuống, lọt vào đoàn xe, đi luôn. Và nửa đêm, xe lại đỗ ở cổng Đài, trả tôi về nơi tôi sống tạm đó. Trong những lần đi công tác, hoặc khi có dịp đến gia đình đồng chí Trần Vỹ hay đồng chí Trần Duy Dương làm việc, tôi cũng không nhân cơ hội đó để kể lể về gia đình, về cuộc sống riêng, hoặc đề đạt những nguyện vọng cá nhân. Tôi sớm có ý thức tự trọng, không dựa dẫm, không xin xỏ…
Vào giữa năm 1968, sau khi tôi hoàn thành việc tổ chức hội nghị nhân điển hình Thanh Mai, anh Dương có gợi ý: “Tôi thấy cậu có khả năng tổng hợp, phân tích tình hình và phát hiện nhân tố mới, rất phù hợp với công việc của bộ phận giúp việc Ủy ban. Nếu cậu có nguyện vọng, tôi sẽ tạo điều kiện điều cậu về Tổ Thư ký của Ủy ban. Cậu làm việc ở đây chỉ vài năm là trưởng thành, khi đó, Ủy ban có thể thu xếp để cậu về lại Đài hoặc Sở Nông nghiệp với nhiệm vụ mới. Theo tôi, đó là dịp học hỏi hiếm có, cậu nên suy nghĩ để đón nhận nó.”
Tôi nghĩ rất nhiều về gợi ý của đồng chí Trần Duy Dương. Trong nhiều năm tháp tùng anh Dương, tôi đã được anh chị quý mến, đối xử thân tình như anh em trong nhà. Có năm, Tết Nguyên đán, anh Dương còn dành thời gian về thăm quê tôi, gặp gỡ trò chuyện với Bí thư Đảng ủy và Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp, gây một cảm tưởng với cán bộ xã tôi là tôi có vẻ thân tín với nhiều quan chức Thành phố, nên được Thành phố quan tâm săn sóc… Hồi anh Dương đi thăm Trung Quốc, có mang về một ký lô hạt giống rau. Anh giao cho tôi chọn hai Hợp tác xã trồng rau chuyên nghiệp để tặng cho họ, gây giống mới cho vùng chuyên canh rau. Tôi báo cáo với anh về hai Hợp tác xã Quảng Bá và Tây Tựu, để anh gửi tặng giống rau. Anh rất hài lòng vì tôi đã chọn đúng ý anh, không nhân cơ hội để dành tình cảm riêng cho quê hương mình. Tuy vậy, khi nghe anh gợi ý điều tôi về Ủy ban, tôi rất ngại. Tôi vốn quen nếp sống tự do, khó đảm bảo kỷ luật về giờ giấc làm việc, cũng không đủ sự khôn khéo để làm vừa lòng những người xung quanh anh. Tôi chọn một hôm anh nghỉ ngơi thoải mái rồi thưa chuyện với anh. Tôi chân thành nói rằng bản thân tôi rất cảm động trước sự quan tâm của anh, cũng rất muốn có cơ hội cống hiến nhiều hơn cho Thành phố, nhưng hoàn cảnh riêng của tôi không thuận lợi, lại sẵn thói quen tự do, nay ép thành kỷ luật công chức, sẽ rất khó phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ. Tôi rất xin lỗi đã không đáp ứng được sự quan tâm của anh. Mong được anh thông cảm.
Như vậy là tôi đã từ chối một cơ hội; không phải tôi không biết điều đó, nhưng thật tình tôi rất khó khăn để mở miệng nói một câu “Dạ thưa anh, anh nói đúng quá ạ… Hay là, anh chỉ đạo rất sáng suốt, nếu không, sao Thành phố có thể đạt những tiến bộ như vậy ạ!” Hay là đại loại những câu thưa gửi đã trở thành tiếng chim hót véo von trên chính trường hồi ấy. Cũng rất ít người còn nhớ năm 1968 đó, Đài chúng tôi vừa trải qua một cuộc đấu tranh dai dẳng hàng năm trời để bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Sau hơn 100 cuộc họp kiểm điểm nội bộ, nguyên nhân mất đoàn kết được phân tích, chủ nghĩa cá nhân bị phê phán. Hôm tổng kết, có ông Nguyễn Bá Đoán, Trưởng ban Tuyên giáo, ông Nguyễn Đức Lạc, Trưởng ban Tổ chức, ông Nguyễn Đức Lộc, Trưởng ban Kiểm tra dự. Tại cuộc họp quan trọng như thế, tôi dám đứng lên phát biểu: “Thưa các đồng chí lãnh đạo Thường vụ Thành ủy, trải qua hơn 100 cuộc họp kiểm điểm, mọi Đảng viên chúng tôi đều thấm thía do chủ nghĩa cá nhân ám ảnh nặng nề, tình đồng chí bị phai nhạt, nên người này nghi ngờ người kia, đối xử với nhau không chân thành, trung thực… Nhưng một nguyên nhân khách quan thuộc về sự chỉ đạo của Thường vụ Thành ủy cũng rất quan trọng là trong nhiều năm liền, Đài chúng tôi thường được cấp trên cử về những đồng chí phụ trách không có trình độ chuyên môn, lại hay tụ tập quanh mình số đồng chí có khuyết điểm này, thắc mắc nọ, gây rối nội bộ… chỉ đến khi đồng chí phụ trách ấy bị kỷ luật, điều đi nơi khác thì tình hình mới ổn định. Tôi mong từ nay trước khi cử cán bộ về phụ trách Đài, cấp trên sáng suốt cân nhắc chọn cho chúng tôi những đồng chí có tầm nhìn tốt, có uy tín, có khả năng chuyên môn để dẫn dắt anh em chúng tôi đoàn kết nhất trí vươn lên hoàn thành nhiệm vụ.” Nghe tôi phát biểu, nhiều anh em nhìn tôi vừa sửng sốt, vừa ái ngại. Tan họp, ông Nguyễn Bá Đoán vỗ vai tôi: “Cậu đúng là dân Từ Liêm, quen thẳng thừng mọi chuyện. Mình rất thích tính cách đó. Nhưng cũng có người không dễ nghe những câu góp ý của cấp dưới như vậy đâu. Bởi thế, tôi khuyên cậu cân nhắc câu chữ cho mềm mại thì dễ thuyết phục hơn.”
Đầu năm 1979, tôi và chị Vượng, phóng viên Ban Bạn nghe đài, được thành phố cấp cho mỗi người một căn hộ ở khu tập thể Giảng Võ. Trong cơ quan lập tức xì xào rằng ông Bính là cánh của ông Hòe, còn bà Vượng nhân danh Bạn nghe đài thậm thụt với Sở Nhà đất… Chuyện này thật oan cho tôi và cho cả bà Vượng. Đợt ấy, thành phố không giao chỉ tiêu cấp nhà về Đài để Đài tự phân chia, mà cấp thẳng theo tên của từng người có đơn xin nhà từ năm 1973. Số là hồi ấy tôi có người bạn là phóng viên hãng AFP cùng đi phỏng vấn qua nhiều trận địa B52, cứ gợi ý muốn đến thăm nhà tôi. Nhà tôi hồi ấy ở nửa gian với nửa kia là nhà anh Xuân, mỗi bên có 12 mét vuông, ngăn bằng giấy dầu, rất không tiện đón khách nước ngoài đến chơi. Tôi khó nghĩ quá, có lần tâm sự và cũng là thăm dò ý kiến anh Minh, Thư ký của Chủ tịch Trần Vỹ xem tôi có thể mượn một căn phòng nhà khách của Mặt trận Tổ quốc thành phố để tiếp bạn được không. Anh Minh bảo không nên, vì quan hệ với người nước ngoài như thế không tiện đâu, tốt nhất cứ từ chối thì hơn. Câu chuyện tưởng như chấm dứt ở đấy, nào ngờ anh Minh lại kể câu chuyện ấy với Chủ tịch. Ông Vỹ giao cho anh Minh bảo tôi: “Cậu nói bà xã làm đơn xin nhà gửi Sở Nhà đất ngay đi; còn nhiệm vụ theo dõi đôn đốc Sở Nhà đất cấp cho cậu căn hộ đó thì Chủ tịch Ủy ban giao cho anh Minh.” Cũng phải mất dăm năm, việc được Chủ tịch Thành phố thực sự quan tâm giao cho thư ký đôn đốc mới thành sự thật. Còn chị Vượng gặp dịp thành phố rà soát chính sách với người có công, thấy chồng chị Vượng là thương binh lại không có nhà ở riêng nên được thành phố cấp. Sau mấy chục năm trời vẫn không ai tin bản chất sự việc là như vậy.
Cái hệ lụy của sự mất đoàn kết nó tai hại như vậy. Nó băng hoại đạo đức, lung lạc niềm tin, chia cắt tình cảm giữa những người đã từng là đồng nghiệp, đồng chí với nhau, đã từng một thời sống chết có nhau. Khi mất đoàn kết, mất niềm tin rồi, thì họ nghi ngờ tất cả, sẵn lòng nghe cả những tin đồn thất thiệt, có khi là vu cáo cho bạn mình nữa. Thậm chí họ còn quay lưng lại với nhau, thề cả đời không nhìn nhau nữa!
Cũng như câu chuyện tôi muốn né tránh mọi cơ hội tiến thân mà cuộc sống đã tạo ra cho tôi. Một lần, sau cuộc bỏ phiếu thăm dò tín nhiệm cán bộ để đề bạt cán bộ lãnh đạo Đài, chị Trâm, lúc bấy giờ là Trưởng ban Kinh tế thay tôi, để tôi chuyên tâm làm Trưởng ban Truyền hình, nói nhỏ với tôi: “Tôi được biết người nhiều phiếu nhất không có tâm trạng chạy đua vào chức vụ nào; còn ông đứng thứ hai, ông thấy sao?” Tôi nói luôn: “Ông Hòe vừa hỏi tôi ‘có một suất đi học về nghiệp vụ làm truyền hình ở Pakistan, theo anh thì nên cử ai đi?’ Tôi trả lời ngay: Anh nên để anh Hội đi. Anh ấy trẻ, không vướng bận việc gia đình, lại thành phần cơ bản chắc chắn trên dưới đều ủng hộ.” Ông Hòe nói để ông ấy suy nghĩ thêm. Nhưng thực ra ông ấy đã lặng lẽ gật đầu với đề nghị của tôi. Đó là lần thứ hai tôi từ chối một cơ hội.
Tại sao vậy? Tôi biết ông Hòe cũng giống như các ông thủ trưởng khác thôi, ông ấy không thích những cán bộ cấp dưới sáng tạo trái với ý mình, mà tôi thường chủ động trình bày ý kiến riêng của mình, những gì vừa ý ông ấy thì ông đồng ý, những điều khác ý, ông không bác ngay nhưng hẹn để suy nghĩ thêm! Và rồi ông chẳng nghĩ gì thêm đâu, ông ấy bỏ qua ngay thôi!
Khu tập thể Giảng Võ - mơ ước của công chức nghèo thời đó
Đi công tác tại Trung Quốc
Dù không chỉ là lần thứ hai, mà nhiều lần khác, tôi cũng bỏ qua cơ hội tiến thân như vậy. Nhưng tôi không bao giờ tiếc nuối. Tôi muốn được làm những việc tôi cho là có ích và hợp với bản năng tự do sáng tạo của mình. Tôi cũng muốn né tránh việc tranh thủ cơ hội quen thân, hoặc xin xỏ, chạy chọt để tranh giành chức vụ mà thực chất chỉ là để hùa theo quyền lực của các ông cấp trên, gánh lấy công việc của ông ấy, để được hưởng một chút ân huệ làm một ông phó toàn tâm toàn ý tuân theo thủ trưởng, phục tùng thủ trưởng, cả đời không nghĩ được một việc gì riêng của mình! Những ông phó ấy, suốt đời có bao giờ làm được việc gì có ích hơn, ngoài việc tạo ra một bè cánh hẩu với thủ trưởng, để cùng chia nhau chút lợi lộc ăn chặn cấp dưới mà thôi; chẳng vẻ vang gì! Hồi bố tôi còn sống, ông thường lắng nghe tôi kể chuyện công việc khi tôi muốn tâm sự với ông. Khi thấy tôi suy nghĩ lao lung, không muốn giãi bày, thì ông chỉ khuyên một câu: “Ở đời làm được việc gì tốt thì cứ cố làm, nhưng nếu phải nhờ vả phiền lụy ai thì phải cân nhắc, vì đã lụy người ta thì phải nghe, phải lựa, phải đáp lại tấm lòng người ta, không như thế thì không yên ổn đâu. Tránh được thì nên tránh!”
Tôi ngẫm nghĩ, cảm thấy bố tôi quả là từng trải, biết cân nhắc, biết lựa chọn và né tránh. Tôi cũng cố làm theo ông. Tôi thực sự không hứng thú với việc làm một ông phó để giúp ông trưởng cụ thể hóa những công việc mà ông ấy không muốn làm, hoặc không dám làm, để rồi gánh lấy những lời bia miệng, có khi cả vạ đá nữa, chỉ vì muốn có một vị trí mà người đời khao khát, bởi bình thường anh ta không bao giờ được phép ngồi ghế đó. Nhiều anh em thế hệ chúng tôi không nghĩ như vậy đâu; họ cho là tôi dại, hoặc là tôi không biết cách lợi dụng cơ hội mà cuộc đời đã trao cho mình… Không sao, tôi đã lựa chọn cách sống như vậy rồi. Tôi nhớ tôi đã ghi trong sổ tay câu nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Hạnh phúc là được là chính mình. Bạn không cần phải được thừa nhận bởi người khác, chỉ cần chính bạn thừa nhận mình là được rồi.”
ĐỌC TIẾP PHẦN 7.4
Đỗ Gia Bính
Nhà báo, Doanh nhân, Người hát Karaoke