Phần 5 - Bước ngoặt

Đây là một bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Nếu cho tôi một điểm tựa, thì đây chính là điểm tựa mà tôi đã lựa chọn.

Gần cuối năm 1986, tôi được điều về làm Trưởng Phòng Tòa soạn, nơi đầu mối của các quan hệ phối hợp công tác, cũng như đề xuất các chủ trương, giải pháp mới cho công tác tuyên truyền của Đài. Đây là nơi tập hợp mọi trí tuệ, đúc rút các kinh nghiệm, tổ chức công tác thông tin viên, đào tạo đội ngũ phóng viên thông qua các tổng kết thực tiễn tuyên truyền. Nơi này phải làm việc bằng trí tuệ, vốn sống và bản lĩnh nghề nghiệp. Hồi năm 1978, khi mới lập ra Phòng này, các vị lão luyện trong nghề như Tuấn Bình, Đặng Văn Thú thay nhau làm Trưởng phòng. Các vị lần lượt đến tuổi nghỉ hưu, và tôi là kẻ kế nhiệm.

Thế mạnh của tôi là đi và viết, nay phải ngồi nhà khác gì hổ con đã phải rời rừng; mặt khác, nơi luôn đề xuất cái mới này vốn không dành cho người trẻ. Tuy nhiên, cả Đài cũng chỉ có mấy người cùng trang lứa với tôi thì ai cũng chấn giữ các cánh quân rồi. Bất đắc dĩ, tôi phải ngồi vào chiếc ghế “quyền rơm vạ đá” ấy. Quyền thì nhẹ như rơm, bởi vì tôi chẳng có quyền ra lệnh cho ai, nhưng lại phải đương đầu trách nhiệm tổ chức, phối hợp các đơn vị trong Đài để công việc trót lọt; chẳng may, gặp sự cố, người đầu tiên gánh chịu là Phòng Tòa soạn, thế là “vạ đá” đến tức thì!

Sân nhìn ra từ Phòng Tòa soạn và đội ngũ hưởng định mức năm ấy

Việc đầu tiên tôi chọn là hoàn thiện bản “Định mức các công việc của Đài”. Cái vốn liếng ít ỏi ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân giúp tôi định hướng công việc: nhu cầu và nhiệm vụ hàng năm của Đài, số lượng biên chế và khả năng đóng góp tin bài của cộng tác viên, quỹ lương và các thang bậc lương. Nói đến công nghiệp truyền hình hay công nghiệp truyền thông, báo chí thì khắp thế giới người ta làm cả rồi; phiền một nỗi ở xứ mình không ai nghĩ báo chí hay truyền hình là một ngành công nghiệp, và như thế thì định mức là vấn đề lạ lẫm!

Một cuộc thảo luận, rồi tranh luận sôi nổi. Nhạc sỹ Huy Trân nói thẳng ra: “Như vậy các anh biến văn nghệ sỹ chúng tôi thành công nhân à?”. Tôi đặt câu hỏi ngược lại: “Chúng ta cùng lĩnh lương, cùng hưởng các chế độ bảo hiểm, sao có người làm nhiều, người làm ít, có cả người chẳng cần làm gì mà đến hạn vẫn lên lương? Sự công bằng là ở đâu? Bây giờ định mức thì không phải mọi người đều làm việc như nhau, mà ai lương cao làm nhiều hơn, ai nhận những việc khó thì làm ít hơn. Như thế, chẳng lẽ lại là sai?”.

Bàn từ trong cuộc họp, ra đến quán cà phê Lâm Toét, lan cả đến các cuộc nhậu. Bàn thật thiện chí, thật dân chủ, cuối cùng cũng tìm ra giải pháp. Các công việc được quy thành điểm, tổng số các nhiệm vụ của Đài là tổng điểm. Các mức lương của từng người được quy thành hệ số. Tổng nhiệm vụ chia cho tổng hệ số sẽ cho ta mức của mỗi hệ số. Chi tiết hơn, có thể tính toán độ phức tạp của công việc, yêu cầu cao về chất lượng vv... để tăng thêm điểm. Bàn mãi cũng sáng ra. Sau gần một năm trời, bản Quy định về định mức các công việc của Đài được thông qua và được làm thử trong 6 tháng để rút kinh nghiệm.

Cuối tháng đầu tiên, kết quả định mức được công bố. Nhiều người vượt định mức gấp rưỡi, gấp đôi. Số tiền vượt định mức gần gấp đôi quỹ lương; ai cũng lo không được lĩnh. Thực ra, tôi đã trình trước với lãnh đạo Đài, và đã làm việc trước với Phòng Kế hoạch Tài vụ chuẩn bị tiền mặt. Hồi đó, nền kinh tế của ta vừa ra khỏi cơn bão “Giá, lương, tiền”, tiền mặt thật sự khan hiếm. Mỗi kỳ thanh toán vượt định mức, tôi đều phải bàn với Tài vụ Đài, căn cứ khả năng tiền mặt để sắp xếp đơn vị nào lĩnh trước, đơn vị nào lĩnh sau. Tháng đầu tiên thực hiện định mức trót lọt, anh em vui, nói cười hả hê. Có người còn nhắc lại câu nói cửa miệng: “Tranh luận với lão Bính tức nhất là không thể nào bắt bẻ được lão ấy, dù chỉ là một chi tiết.” Tôi chột dạ, hóa ra anh em không thích mình chính là vì mình “rào” kỹ quá! Thời ấy, nhiều người thích có kẽ hở để dễ bề lách mà người ta gọi bằng một từ hào nhoáng là “điều chỉnh.” Người làm quản lý có hiểu biết, có kinh nghiệm lại phải có lương tâm; cố ý để một kẽ hở, lợi cho người này hoặc nhóm người này, thì sẽ bị người khác, nhóm khác để ý; lâu dần thành thắc mắc, xích mích, ghen tỵ, ... nói chung là mất đoàn kết. Nhưng người quản lý muốn công tâm, công bằng, không dễ được mọi người ưa. Thói đời yêu ghét tạo thành làn sóng, thành dư luận, thành lá phiếu để tâng bốc người này, dìm hắt người kia; thời thế ấy là bệ đỡ cho các quan mỵ dân, biết dùng của công, của người làm phúc ta, làm uy tín tiến thân cho riêng mình hoặc nhóm mình. Mầm mống mất đoàn kết không bao giờ bị xóa bỏ. Tôi đã nghĩ định mức là giải pháp tháo gỡ hiện trạng đó, đem lại quyền làm chủ thật sự và lợi ích cho nhiều người. Vậy mà, người đời vẫn chỉ vui vẻ chấp nhận khi có lợi cho mình!

Những năm ấy, Đài có nhiều biến cố. Bùi Kim mất vì ung thư, hậu quả của chiến tranh ập xuống đầu người lính. Anh Thú về hưu, các anh Lê Hưng, Bùi Hữu, Thiết Dũng... người thì quá cố, người chuyển công tác, người về hưu. Đội ngũ thưa vắng dần. Lứa chúng tôi: Bùi Dư, Vũ Mỹ, Trần Thị Trâm, Huyền Sơn... lần lượt ngồi vào các vị trí quản lý. Công việc mới mẻ, chẳng ai đủ kinh nghiệm làm đầu tàu. Giám đốc lâu đời nhất, ông Trần Đình Hòe, cũng chuẩn bị nghỉ hưu. Dù lãnh đạo Đài đã có ý thức chuẩn bị, dựa vào sự tổ chức và vận động của Chi hội Nhà báo để nâng cao trình độ văn hóa, đưa toàn bộ phóng viên, biên tập viên lên trình độ đại học, sau đó là tổ chức học văn hóa, tổng kết nghiệp vụ, nhưng cả một đội ngũ làm phát thanh truyền hình không có ai tốt nghiệp đại học ngành báo chí. Ngẩng lên không nhìn qua đầu mình, cúi xuống cũng chỉ thấy chân mình. Trong một thời gian dài, riêng khắc phục xong câu chuyện mất đoàn kết đã mất hàng chục năm, có năm phải họp đến một trăm cuộc họp mới chấm dứt được các cuộc tranh cãi liên miên.

Thế hệ chúng tôi đã gánh vác cả một quá khứ khổ ải để có được một sự nghiệp truyền thanh rạng rỡ. Thành phố có sáu vạn loa vào từng gia đình, có nhiều dấu ấn nghề nghiệp đáng ghi nhận. Đây là nơi đầu tiên có câu chuyện hàng ngày khen chê nhẹ nhàng mà có sức thuyết phục, là nơi đầu tiên có câu chuyện truyền thanh, ngắn gọn sinh động không kém chương trình sân khấu, là nơi biểu dương rất nhiều điển hình tốt: Khối 30 Đống Đa bảo vệ an ninh tốt, y tá Trần Xuân Đậu và Tổ A9 Bệnh viện Bạch Mai hết lòng cứu chữa người bệnh, Xí nghiệp cơ khí Nam Thái phát huy nhiều sáng kiến, Hợp tác xã Thanh Mai chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa... Ở đây cũng đã ra đời kênh truyền hình địa phương đầu tiên, làm mô hình cho toàn quốc truyền hình hóa đến đài tỉnh, thành phố.

Đến lúc phát thanh lên sóng, truyền hình ra hàng ngày, chúng tôi lại có đồng chí Giám đốc mới, trưởng thành từ Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy. Khỏi phải nói sự nhộn nhạo diễn ra thế nào. Nhiều người chép miệng: “Nguyễn Y Vân”! Chả có gì để nói! Vài người lăng xăng chạy quanh ông Giám đốc mới buôn chuyện; có anh nhạc sỹ tuần nào cũng ba bốn buổi tối đến săn chuyện Giám đốc, đến nỗi vợ ông ấy bực mình bảo anh ta không có việc gì làm hay sao, mà tối nào cũng mò đến đưa chuyện!

Tôi không có thì giờ để suy nghĩ việc gì ngoài việc chuẩn bị tờ trình lên Ủy ban Nhân dân Thành phố xin chính thức thực thi định mức. Đã kết thúc thí điểm, muốn dùng ngân sách bổ sung để chi vượt định mức thì phải được Ủy ban phê duyệt. Ông Hải, Giám đốc Đài, yêu cầu tôi chuẩn bị văn bản báo cáo, nhưng gần đến ngày hẹn, ông ấy yêu cầu tôi đi cùng và trực tiếp trình bày với Ủy ban. Tôi đã nhiều lần phải “đóng thế” như vậy, nên cũng không ngạc nhiên nữa. Tôi chuẩn bị trình bày trong nửa giờ. Nhưng đến nơi, bà Phó Chủ tịch Ủy ban, Trần Thị Tâm Đan nói: "Các anh nói gọn trong 10 phút về căn cứ của việc định mức và tác dụng thế nào. Tôi đã đọc báo cáo của Đài rồi, đừng nói lại những điều đã viết." Tôi nhận ra cái băn khoăn của lãnh đạo là nó đang không đúng với điều mà Thủ tướng quy định là “không trả nhuận bút cho người trong biên chế nhà nước.” Quy định có từ thời bao cấp, hiện tại thì đang trong cuộc đổi mới. Nghĩ và làm như cũ thì không thành công, nhưng thay đổi thế nào, thật không dễ. Tôi nêu vấn đề các chương trình phát thanh truyền hình của Đài tăng lên nhiều lần do yêu cầu chỉ đạo của thành phố, do nhu cầu thông tin và giải trí của người xem Đài. Nhưng biên chế không tăng, nhuận bút cũng không tăng thì Đài làm cách nào hoàn thành nhiệm vụ. Định mức của Đài được xây dựng từ thực tế hoạt động nhiều năm, anh em làm thử, thấy chấp nhận được, và mức tăng chưa đến ba lần trong khi nhiệm vụ tăng lên gấp năm, sáu lần! Bà Tâm Đan ngồi nghe rất kỹ, cuối cùng, Phó Chủ tịch thành phố kết luận. Tôi không ngờ bà ấy lại kết luận nhanh và rõ ràng như vậy.

  • Tôi đồng ý với đề nghị của Đài. Đề nghị anh Hải chuẩn bị một thông tư liên tịch giữa Đài và Sở Tài chính về việc điều chỉnh quỹ nhuận bút của Đài theo định mức Đài đã báo cáo và được Ủy ban Nhân dân Thành phố chấp thuận. Tôi sẽ nói đồng chí Giám đốc Sở Tài chính để đồng chí ấy đồng ký vào thông tư nói trên là được. Ủy ban không cần ra thêm văn bản nữa.

Cuộc họp kết thúc sau 15 phút. Ông Hải chỉ kịp nói lời cảm ơn Phó Chủ tịch Thành phố. Bà Tâm Đan cười: "Tôi phải cảm ơn Đài đã chuẩn bị báo cáo ngắn gọn và rõ ràng như vậy thì Ủy ban mới kết luận nhanh được chứ." Họp tan, tất nhiên tôi phải chuẩn bị văn bản như Phó Chủ tịch Ủy ban nói. Nhân tiện còn phải chuẩn bị cho anh Hội, Phó Giám đốc Đài, công văn xin thành phố cho điều chỉnh quỹ nhuận bút tăng thêm. Nghĩ bụng, những việc này đâu phải của mình. Mọi người cũng không ai ngạc nhiên cả. Khi làm Trưởng ban biên tập kinh tế thì nghiên cứu và trình đề án “Đổi mới tổ chức và bộ máy quản lý của Đài”; rồi đề án ra chương trình truyền hình Hà Nội trong một Đài phát thanh kiêm truyền hình. Bây giờ làm Trưởng phòng tòa soạn thì trình chế độ định mức của Đài! Gần như mình không thể ngồi yên một chỗ, không thể giữ nguyên nếp cũ. Nói là mình không có chức năng làm dự thảo văn bản về tài chính để trình Ủy ban thì cũng đúng, nhưng nói là văn bản về tài chính phục vụ công tác biên tập thì người ta bảo mình làm cũng không sai!

Đang vẩn vơ nghĩ ngợi tự nhiên mình trở thành đầu sai của bất cứ ai, mà việc chính của người làm báo thì không được làm, bỗng dưng Giám đốc Hải điện thoại hẹn tuần tới làm việc với Giám đốc. Lại sai bảo gì đây? Thật không còn hiểu nổi người ta sinh ra những người lãnh đạo để làm gì, chẳng nhẽ chỉ để sai truyền, trên hạ lệnh thì sai người dưới làm, còn mình đóng vai người chỉ tay năm ngón. Cái anh chàng thủ quỹ Vương Văn Bái, học chưa hết lớp 7 nhưng nói rất hài, mà chẳng sai chút nào; Anh ấy đặt tên Phó Giám đốc Đài là “Lê Xuân Ký.” Ai cũng hiểu anh “phó” ấy chỉ để ký; văn bản gì, và ai xin chữ ký, anh ta cũng ký, thế thì ai chả thích anh ấy!

Thăm Đất mũi Cà Mau cùng nhóm phóng viên thuở ban đầu

Đội ngũ phóng viên, phát thanh viên năm xưa đến thăm gia đình

Thăm lại Tây Nguyên

Buổi chiều ngày đầu tuần, Giám đốc Đài gặp mình thân mật như chưa bao giờ như thế. Nào khen mình tướng phúc hậu, khen cách diễn giải bản định mức phức tạp mà rành mạch, có sức thuyết phục. Khen mình có vợ đẹp lại còn giỏi giang nữa... Cứ cái cách vào đề "tàu bay giấy" này chắc là chuẩn bị cho mình hạ cánh rồi. Quả nhiên, ông sếp này không có gì đặc biệt. Ông ấy quanh năm nghe chim hót líu lo, khi ngồi vào vườn chim, thoát sao được giọng oanh vàng, yến bạc. Nhưng đấy là việc của ông ấy. Mình năm mươi tuổi đầu rồi, cần một cuộc sống ổn định, một sự nghiệp khiêm tốn nhất là cho cây bút được viết. Mình muốn được đi viết. Mình muốn thoát ra khỏi cái guồng máy lặp đi lặp lại này. Khốn thay, mình đã là người trong tổ chức, phải nghĩ và làm theo sự phân công của tổ chức. Mình cũng là người có gia đình, vợ con; công việc không thể không thuận vợ, thuận chồng. Chuyện còn nóng hổi là hồi ở Lâm Đồng ra, mình có một cơ hội hiếm hoi, được ông Giám đốc Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh gợi ý chuyển vào Sài Gòn công tác. Công việc khá thuận lợi, nơi ở và việc làm, việc học của vợ con đều được giúp thu xếp tốt nhất có thể. Thật là một cơ hội thay đổi đáng mong ước. Mình về tâm sự với bà vợ, nhưng nói sao thì nói, vợ mình dứt khoát không rời Hà Nội. Thế là thôi, không bao giờ mình có thể nghĩ đến chuyện đi đâu nữa!

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội thăm đoàn làm phim "Sống mãi với Thủ đô"

Vừa gật đầu tán thưởng câu chuyện mở màn của ông Giám đốc vừa nghĩ miên man về con đường của mình. Đột nhiên, ông Hải hạ giọng:

  • Ông Bính ạ, anh em bên Công ty Truyền thanh họ khó khăn quá, công việc không có, Giám đốc công ty ốm đau, anh em khảng tảng. Tôi nghĩ chỉ có ông góp sức với Đài, mới hy vọng cứu giúp được anh em. Ông thấy sao?

  • Tôi nghĩ đấy là trách nhiệm của Đảng ủy, Giám đốc Đài, chứ cá nhân tôi thì có thể làm gì được!


Ông Hải nghiêm nét mặt lại, giọng nói trở nên quan trọng, thiết tha, cứ như là sắp trao cho mình sứ mệnh gì ghê gớm lắm. Thực ra, mình đã nhìn thấy từ lâu. Khi mình đề xuất và giúp lãnh đạo làm tờ trình Thành phố về việc xin thành lập Công ty Nghe Nhìn Hà Nội từ đầu năm 1989, mình lại cùng Phạm Đông viết kịch bản “Cao nguyên không yên tĩnh” và liên hệ với Ngân hàng Công Thương vay vốn cho Công ty Nghe Nhìn làm bộ phim truyện đầu tiên, đưa ra phát hành toàn quốc, thì mình đã bắt mạch được nhịp đập trái tim của ông Hải, biết rằng ông ấy ủng hộ thành lập Nghe Nhìn và cố dụ dỗ mình nhận làm Giám đốc.

Ông ta hơi bất ngờ là mình lại đề nghị đưa Xuân Hội, Phó Giám đốc Đài, về phụ trách công ty.


  • Một đơn vị mới và quan trọng như thế phải có một Phó Giám đốc Đài phụ trách mới tương xứng! Nếu cần một người có chuyên môn giúp việc Giám đốc công ty, Đài có thể bổ nhiệm anh Đông làm Phó Giám đốc.

Thầy trò ông ấy nghe bùi tai, lập tức quyết định. Ông Xuân Hội ngồi vào ghế nóng, sẵn sàng ký một loạt quyết định bổ nhiệm trưởng cửa hàng, trưởng kế toán, làm lễ ra mắt phim mới, cửa hàng mới chuyên cho thuê băng hình với nguồn băng từ Fafilm. Qua được năm đầu suôn sẻ, năm sau ngành Văn hóa cạnh tranh, mở thêm hàng loạt cửa hàng cho thuê băng, phí rẻ hơn, phim hay hơn. Các cửa hàng của Nghe Nhìn lung lay. Cán bộ quản lý từ bao cấp đi ra chỉ biết ký và thu lệ phí; khi vốn liếng cạn kiệt, không có kịch bản, không có nhân sự, không có triển vọng nào về sản xuất phim. Trong khi đó, Công ty Truyền thanh đã bán hết các dây emay, dây lưỡng kim và nhôm thỏi, những vật tư đặc chủng... để có tiền trả lương, và cũng đã đến lúc cạn nguồn rồi. Sức nóng của phá sản, của trách nhiệm lãnh đạo phả vào lưng Giám đốc hàng ngày, hàng giờ.

Cũng không phải đợi đến giờ G mình mới thấy tình cảnh này. Hôm bàn giao Ban Truyền hình cho Đào Quang Thép, mình đã ngửi thấy mùi khét rồi. Trong hơi men chếnh choáng, Thép nâng cốc rượu trên tay nói với mình: "Cảm ơn đồng chí Trưởng ban đã bàn giao công việc nhanh gọn cho chúng tôi, chắc là để nhanh chóng bắt tay vào việc mới." Tôi chạm cốc, bắt tay, nói lời cảm ơn theo phép lịch sự. Nào ngờ cậu cả đổi giọng ngay:

  • Phải nói là công việc thì quy củ, nhưng mà đội ngũ của đồng chí để lại thì gay quá.

  • Theo ông thì đội ngũ này làm sao?

Ông ta kể lể lảm nhảm, phàn nàn trình độ, kêu ca nhân cách người này, người nọ. Tôi đã nóng mắt, nghe không rõ lời nữa. Tôi vỗ vai Thép một cách thân mật:

  • Ông Thép ạ, chắc ông đồng ý rằng chúng ta đều là con cháu Vua Hùng phải không? Vua Hùng đã có công dựng nước, Người đã để lại cho thời đại chúng ta một Bác Hồ vĩ đại, đồng thời cũng để lại một Ngô Đình Diệm vùng vẫy khắp miền Nam. Tôi cũng là con cháu Vua Hùng, tôi để lại một Ban Truyền hình quy củ như anh nói, nhưng trong ban đó có người tung hô anh, có người im lặng, cũng có người không thích anh, thậm chí không nghe anh. Như thế cũng là bình thường thôi mà!

Quang Thép có vẻ bất ngờ với câu chuyện của tôi. Anh ấy uống một hơi hết cốc bia và hạ thấp giọng:

  • Dù sao thì chúng ta cũng đã có một Ban Truyền hình...

  • Và dù sao thì chúng ta cũng còn ở bên nhau, cuộc chiến đấu còn lâu dài mà!

Tôi không thấy hưng phấn tranh luận với người ham khiêu khích nữa, nên quyết định dừng câu chuyện bằng một dấu chấm lửng.... Tôi hiểu người đối thoại với tôi đã được gợi ý hoặc hứa hẹn của lãnh đạo; tôi cũng hiểu người ấy luôn luôn nhận việc có điều kiện, bởi tôi và anh ấy đã từng có hơn một năm cùng “trú chân” ở Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Anh ấy thì làm Truyền hình Phụ nữ, còn tôi thì làm Truyền hình Hà Nội. Quả nhiên, sau này tôi nghe anh em kể anh ấy đã từng thẳng thừng với Giám đốc Hải: “Nếu anh không đề bạt tôi làm Phó Giám đốc Đài, thì tôi sẽ tố cáo với thành phố về vụ tham nhũng ở Ban Kiến thiết của Đài do anh làm Trưởng ban.” Chẳng hiểu có phải vì lời đe dọa ấy hay không, nhưng cuối năm đó, anh ta được bổ nhiệm Phó Giám đốc Đài thật! Tôi cũng hiểu rằng người lãnh đạo của Đài đã không đủ bản lĩnh đánh giá con người và công việc, đã ngả theo số đông, rắp tâm “đưa người cửa trước, rước người cửa sau.” Cơ hội để tôi kết thúc vai trò làm đầu sai của lãnh đạo đã mở ra, nhưng tôi không vội vàng đón nhận. Tôi nói với ông Giám đốc:

  • Hay là anh nghe người ta nói chuyện nọ, chuyện kia, anh không muốn có tôi ở Đài nữa thì anh cứ cho biết, tôi sẽ sớm thu xếp chuyển công tác để anh được hài lòng?

Ông Giám đốc có vẻ bất ngờ về phản ứng của tôi nên dịu giọng:

  • Làm gì có chuyện đó. Tôi thật lòng nói với ông là tôi khó kiếm được một cán bộ ở trong Đài để đảm nhận công việc phụ trách đơn vị mà tôi muốn nhập Công ty Truyền thanh với Nghe Nhìn, thành đơn vị sản xuất chương trình văn nghệ cho Đài. Tôi hy vọng ông giúp Đài không chỉ làm kinh tế, mà còn lo sản xuất một mảng chương trình hấp dẫn cho Đài! Tôi cũng nói rõ là không khi nào tôi để ông đi khỏi Đài của chúng ta.

Ông ấy hạ giọng:

  • Tôi chuẩn bị đưa bà Hương đi học lớp chính trị cao cấp Nguyễn Ái Quốc; Đài đang thiếu cán bộ lãnh đạo là nữ, bà Hương có quá trình hoạt động Thanh niên Xung phong (TNXP) nơi tuyến lửa, lại có khả năng chuyên môn; nếu để cả hai vợ chồng ông một nơi thì khó cho lãnh đạo bố trí. Ông chuyển sang phụ trách đơn vị kinh doanh thì việc thu xếp vị trí cho bà xã thuận lợi hơn rất nhiều.

Thăm Truyền hình NBC Hoa Kỳ

Nhận nhiệm vụ mới

Ông ta còn nói rộng thêm ra ngoài đề nhằm kích thích tôi mơ đến tương lai mà theo ông ấy là sáng sủa hơn. Nghĩa là ông ta lại thả thêm một ít thính, một thứ bánh vẽ mà những kẻ hám địa vị, tiền bạc thường tít mắt. Được cái, cả hai vợ chồng tôi đều tỉnh đòn. Ông ta cũng đưa vợ tôi đi học thật. Nhưng người ta cùng đi học với vợ tôi, về thì từ Chủ tịch Quận lên Phó Bí thư Thành ủy, còn vợ tôi đi học xong thì vẫn làm phóng viên như cũ thôi!

Nói rộng ra mọi chuyện để hiểu tâm địa một con người thôi, chứ làm sao tôi không biết là mình lại bị dính cái đòn “đồng chí phải gương mẫu” rồi! Tôi cũng hiểu những trở ngại và khó khăn ông ta phải đắn đo, nên chấp nhận một bước đệm. Tôi tạm thời làm Trưởng Phòng Tòa soạn kiêm Giám đốc Công ty Nghe Nhìn, một mặt để giải thoát cho Lê Xuân Hội, trở về với vai trò Phó Giám đốc Đài, một mặt để tôi có thì giờ tìm hiểu về Công ty Truyền thanh và chọn giải pháp tốt nhất khi thực hiện quyết định ấy. Thực lòng tôi cũng không còn hứng thú với công việc ở Phòng Tòa soạn nữa.

Đài là nơi đã bồi dưỡng tôi trưởng thành, cũng là nơi tôi đã cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp phát thanh truyền hình. Nay rời đi cũng tiếc lắm chứ, nhưng ở lại cũng chẳng hứng thú gì. Chủ nghĩa thành phần của không ít thế hệ lãnh đạo Đảng đã đè nặng lên suy nghĩ của nhiều cán bộ chủ chốt thành phố này. Trải qua hai cuộc chỉnh đốn Đảng, người ta đã hai lần thẩm tra lý lịch của tôi. Tôi đã có dịp đối thoại với cán bộ tổ chức; khi người ta bảo bố tôi đã từng đi lính cho Pháp, tôi trình bày bố tôi đi lính sang Pháp để cùng nhân dân Pháp chống đế quốc trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, chứ không phải đi lính cho Pháp để bắn giết đồng bào. Như vậy, việc đi lính của bố tôi không có tội, không thể nào thành một vết đen trong lý lịch của tôi.

Thăm Đài Phát thanh Thụy Điển

Tổ chức Đảng đã thực sự làm một cuộc kiểm tra tỉ mỉ và đã làm sáng tỏ mọi ý kiến, mọi thắc mắc của những người quan tâm đến “số phận” của tôi. Nhưng một bàn tay của một người tôi từng đi xin địa phương cho về làm phóng viên của Đài, khi đó làm Chi ủy viên Chi bộ Biên tập, đã có cơ hội ghi vào bản nhận xét lý lịch của tôi một chữ “Đáng lẽ.” Đáng lẽ trường hợp này không nên bố trí như vậy, đáng lẽ trường hợp này không nên sử dụng cán bộ như vậy.

Cái chữ “đáng lẽ” chết tiệt ấy có vẻ không khẳng định, nhưng gieo vào đầu óc những người làm tổ chức một dấu hỏi hoài nghi, khiến người ta phải suy diễn, thẩm tra, đoán định, cân nhắc... Cái thâm hiểm của kẻ gieo rắc nghi ngờ là không khẳng định, nhưng khiến người đọc, người nghe suy diễn, phân vân... Anh ta đã ném được hòn đá xuống ao mà không ai thấy bàn tay người ném.

Nhưng ở sâu trong tâm khảm của tôi, tôi chưa một lần có ước vọng làm “quan”. Năm 1968, có đồng chí lãnh đạo Thành phố gợi ý đưa mình lên làm thư ký cho Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, mình đã một mực xin ở lại tiếp tục việc cầm bút. Sau khi phát hiện điển hình Hợp tác xã Thanh Mai mở con đường sản xuất hàng hóa, tôi đã thuyết phục được Thành phố tổ chức cuộc hội thảo làm theo Thanh Mai do Phó Bí thư Thành ủy Trần Vỹ chủ trì; cùng năm ấy, tôi được ông Vỹ giao viết bài về Hà Nội không khoán hộ, mà khoán cho tập thể người lao động. Bài báo được đăng trên tạp chí Cộng Sản, với bút danh Trần Vỹ. Sau hai sự kiện ấy, ông Trần Duy Dương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố, gợi ý muốn chuyển tôi sang Văn phòng Ủy ban Nhân dân, làm thư ký cho ông ấy, tôi đã một mực từ chối và xin được ở lại Đài, tiếp tục nghiệp cầm bút. Có thể nói đó là cơ hội đầu tiên tôi đã từ chối con đường tiến thân bằng quan chức. Sau này có người kích động, tôi cũng chỉ cười. Bao nhiêu người cùng trang lứa với tôi đã lên làm lãnh đạo, tôi có ghen ghét hay so bì với ai đâu. Thậm chí khi có cơ hội tiến thân như dịp tuyển người đi nước ngoài học nghề làm truyền hình, Giám đốc Hòe hỏi ý kiến tôi, tôi cũng đề nghị cử Xuân Hội đi. Người ở Đài nói: Đáng lẽ anh phải làm Giám đốc thì mới xứng, thì Đài sẽ có cơ hội phát triển nhiều hơn, tôi đều cười vui.

Điều tôi ham muốn nhất là được viết những bài báo đem lại tác dụng tốt cho cuộc sống. Tôi được làm việc trong một môi trường tốt, thì tôi đã đóng góp để phát triển môi trường ấy. Bây giờ là lúc, tôi có điều kiện tự mình tạo ra cơ nghiệp, tạo ra một cộng đồng làm việc có ích hơn, hiệu quả hơn; tôi đã nghĩ chín và quyết định bước sang con đường của một doanh nhân, chủ động sáng tạo ra cơ đồ của mình và các cộng sự. Một chân trời mới đang mở ra. Tôi gạt bỏ mọi trở ngại, để lại sau mọi toan tính, bon chen, bước thẳng lên phía trước!

Đây là một bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Nếu cho tôi một điểm tựa, thì đây chính là điểm tựa mà tôi đã lựa chọn. Tôi tin chắc rằng mình có thể làm được điều gì đó thật sự có ích cho cuộc sống, vốn cứ trôi đều đặn, không ngừng nghỉ, tưởng như chẳng có gì mới mẻ.

Mùa hè năm 1992 là mùa hè nóng bỏng nhất. Vào tháng bảy nắng như đổ lửa, tôi nhận được quyết định của Ủy ban Nhân dân Thành phố bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Nghe Nhìn Hà Nội, sau khi công ty này đã sáp nhập với Công ty Truyền Thanh của Đài. Văn bản quyết định ngắn gọn, khô khốc, không kèm theo một điều khoản nào mà thông thường khi thăng chức, người ta thường được hưởng như tăng lương, tăng phụ cấp, v.v… Tôi hiểu rằng họ đã “dụ” được tôi ra khỏi cánh rừng mà bao năm nay tôi trú ngụ, trưởng thành, vun đắp từng ngọn cỏ, nhành hoa, từng gốc cây, từng khoảng trời, từng không gian đầy ắp không khí trong lành cho con người hít thở, sinh sống và trưởng thành. Tôi đã thực sự kết thúc thời thanh xuân rực rỡ của mình bằng một tờ giấy pơ luya mỏng tang và một cái dấu không đủ màu đỏ quyền lực như người ta nghĩ. Tôi nhận tờ giấy ấy như chấp nhận một định mệnh.

Từ đây tôi được tự mình suy nghĩ, lựa chọn từng việc làm, từng bước đi, từng lối rẽ một cách cẩn trọng nhất, vì đó là những quyết định thành bại của cả một sự nghiệp, cả một đời người. Tôi đã thực sự đương đầu với mọi thách thức dành cho người đứng đầu nhỏ bé nhất trong cuộc sống cay đắng ngọt bùi, mà tự mình giành lấy, tự mình chia sẻ, nhưng không biết có được tự mình hưởng thụ không. Ngoảnh lại phía sau, người ta đã mở toang cửa, đón con cháu nhà Đài, đã gạt bỏ được cái người ta cho là trở ngại; chẳng bao lâu nữa, Đài sẽ đầy ắp nhân viên, có nhà cao cửa rộng, có thiết bị mới… Và cũng chẳng bao lâu nữa, cái “của để dành” ấy không tự sản sinh ra của cải nữa… chợ chiều chắc cũng sớm “đông” thôi! Biết thế mà cảnh báo cũng không có người nghe; thôi đành dấn thân bước tiếp…

Một ngày hè nóng bức nhất trong một căn phòng không quá rộng ở 26 Hàng Dầu quen thuộc, không có điều hòa không khí, không còn người xung quanh, mà lạ lùng thay! Không có một giọt mồ hôi. Không một tiếng thở dài, tiếc nuối. Hình như mọi thứ đều thu vào bên trong, lặn xuống, tích lũy từng cố gắng nhỏ nhất, chờ đợi phút bật ra, đứng lên, vươn cao lên xứng với sâu thẳm lương tâm mình và đáp lại sự mong đợi của bao nhiêu đồng nghiệp sẽ chung lưng đấu cật với mình!

Mùa hè 1992

Một mùa hè nóng bỏng

ĐỌC PHẦN TIẾP THEO

Phần 6 - Bầu trời của tôi

Đỗ Gia Bính

Nhà báo, Doanh nhân, Người hát Karaoke

Liên hệ với tôi

binh.dogia@gmail.com

098687 5224

Khu đô thị Dương Nội, Phường Dương Nội,

Hà Đông, Hà Nội