Phần 1 - Thợ cày cầm bút

Con đường từ một thợ cày trở thành phóng viên trải qua không ít thăng trầm

Tháng 4 năm 1961, vừa vào Đài Truyền thanh Hà Nội, tôi được phân công về Tổ phóng viên Ngoại thành do anh Thanh Hà làm tổ trưởng. Sau một tuần tìm hiểu tình hình, làm quen với công việc, tôi được phân công theo dõi và phản ánh phong trào ở Huyện Từ Liêm. Buổi đầu tôi được đi theo Tổ trưởng để học cách lấy tài liệu, ghi chép, phân tích tình hình và viết bài. Những hôm như vậy thì được đi chung xe đạp với anh Tổ trưởng. Lần sau, đi một mình, dĩ nhiên là đi xe ca hoặc đi bộ. Từ Hàng Dầu lên Tây Tựu, Thượng Cát xa hơn chục kilômét. Không sao! Làm nhà báo vinh dự lắm, gian khổ này bõ bèn gì! Hồi ấy, nhà báo cũng như mọi cán bộ khác, xuống xã đều phải mang theo phiếu gạo, ăn ở cùng cán bộ xã vài ba hôm, xong việc mới về.

Một hôm, tôi vừa ở Từ Liêm về, anh Hà gọi lại:

  • Bính ơi, chuẩn bị đi Đông Anh với mình ngay bây giờ.

Chúng tôi đi bằng xe zep do bác Tín lái. Đấy là lần đầu tiên tôi được đi công tác bằng ô tô cơ quan. Khá là oai! Lên xe , anh Hà mới phổ biến kế hoạch đi làm tin trừ sâu cắn gié. Tôi nghĩ bụng Đài truyền thanh mà cũng phải đi trừ sâu cắn gié thì lạ quá. Như đoán được phân vân của tôi, anh Hà giải thích:

  • Đài ta là công cụ của Đảng bộ và Chính quyền Thành phố, tất nhiên những việc Thành phố quan tâm chỉ đạo là ta phải phản ánh.

Tôi học được bài học đầu tiên là báo chí phải phục vụ nhiệm vụ cách mạng. Thế hệ chúng tôi lúc đó là con em công nông trưởng thành từ phong trào quần chúng được cơ quan báo tuyển dụng để đào tạo thành nhà báo. Chúng tôi là lớp trẻ được nhận xét là có năng khiếu, được tuyển về làm thực tế, thấy có triển vọng mới đưa đi đào tạo nghề nghiệp. Vì vậy, ngay năm đầu tiên chúng tôi được thỏa sức đi làm tin, phóng sự, điều tra... tất cả những thể loại mà mình thích với sự dìu dắt tận tình của lớp cán bộ đi trước. Chuyến đi công tác đột xuất ấy tôi được phân công viết một tin dài về phong trào trừ sâu cắn gié ở Huyện Đông Anh. Tôi viết xong được anh Hà sửa lại rất kỹ, anh còn viết thêm cả một đoạn bình luận về tầm quan trọng của công việc; đồng thời có cả những hướng dẫn về cách phòng trừ sâu cắn gié. Ngay chiều hôm đó, tin được phát trên buổi phát thanh Ngoại thành đổi mới; buổi tối còn phát lại trên bản tin Thời sự. Ngay hôm sau, tôi được giao nhiệm vụ sang Sở Nông nghiệp mời người viết bài hướng dẫn kỹ cách phòng trừ sâu cắn gié, kịp phát ngay buổi chiều. Bất ngờ là, hôm sau nữa, Huyện ủy Đông Anh có thư hoan nghênh và thông tin đầy đủ hơn về phong trào trừ sâu cắn gié đang lan rộng trong toàn huyện. Bất ngờ hơn nữa là tin đó gửi dự thi ở Hội Nhà Báo Việt Nam, năm sau được công bố đoạt giải nhì! Chúng tôi, những người đoạt giải được tham dự Đại hội Nhà báo Việt Nam và nhận giải khi kết thúc Đại hội. Hôm nhận giải, nhà báo Hải Ly, lúc đó là Phó Tổng biên tập Báo Thủ đô Hà Nội, đến bắt tay, động viên chúng tôi:

  • Tin của các bạn có nét rất riêng, rất truyền thanh, có tác dụng rất thiết thực.


Tôi đỏ mặt lắng nghe, nhưng cũng mạnh dạn thắc mắc:


  • Rất hay thì phải kể đến bài phóng sự “ Người tài bên sông Tô “ của bác, mới gọi là hay! Tin của chúng tôi chắc là được Ban gám khảo chiếu cố, động viên thôi.

Ông Hải Ly lắc đầu và ra sức giải thích. Ông cho biết Ban giám khảo đã cân nhắc rất kỹ và đánh giá rất cao tác dụng thiết thực của tin ấy đến phong trào sản xuất ở Ngoại thành Hà Nội, và quan điểm phục vụ sản xuất của các tác giả.

Lên lớp giảng bài cho các nhà báo trẻ

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tham gia tăng gia sản xuất tại Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam (1966). Ảnh tư liệu từ trang Huế Ngày mới

Ông tâm sự:

  • Báo chí cách mạng là công cụ phục vụ nhân dân cho nên những tin, bài có tác dụng lớn và thiết thực đều được đề cao. Văn chương lai láng là công việc của nhà văn. Phản ánh sâu sát, nhạy bén đời sống nhân dân, phục vụ thiết thực cho sản xuất, công tác mới là công việc của người làm báo.

Cũng trong năm đầu tiên của đời làm báo tôi có dịp được cùng nhiều đồng nghiệp đi theo Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tống kết về Hợp tác xã Đại Phong và phong trào thi đua đuổi kịp và vượt Đại Phong, vượt mức sống trung nông. Tôi hết sức ngạc nhiên vì sao một vị Đại tướng mà am hiểu nông nghiệp và nông dân như vậy.

Tôi là một người thợ cày từ năm 18 tuổi. Năm ấy, là năm 1958, học hết lớp 7, tôi đứng giữa ngã ba đường: Hoặc, học lên lớp 8. Điều này thì quá đơn giản. Học lực cấp 2 của tôi thuộc loại khá, tôi lại thuộc diện con em công nông được chiếu cố, đặc cách vào lớp 8 cùng trường. Danh sách lên lớp 8 đã được công bố, niêm yết công khai trên bảng tin của nhà trường. Lúc bấy giờ, thành phố cũng đang có phong trào vận động học sinh lên miền Tây, góp sức với đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế miền núi. Khá đông lớp trẻ Thủ đô hưởng ứng. Thâm tâm, tôi cũng muốn bay nhảy một phen. Bạn bè cùng quê tôi, người thì đi bộ đội, người đi du học nước ngoài. Những người bạn cùng quê, thân nhất của tôi: Ngọc Đường đi Trung Quốc, Phạm Văn Giu đi Liên Xô. Tung cánh bay khỏi làng quê nhỏ bé cũng là ước muốn của lớp trẻ. Nhưng con đường thứ ba khiến tôi trăn trở, suy nghĩ nhiều hơn.

Nhà tôi có bốn anh chị em. Hai anh trai đều đã có gia đình và ăn riêng, ở riêng; chị gái tôi thì còn đang ở vùng tự do. Mẹ tôi mất sớm, lúc tôi mới năm tuổi, trong một trận dịch tả 1945. Lúc đó, bố tôi mới gần 50 tuổi, một mình ông, gà trống nuôi con. Vào tuổi của ông, trẻ chưa qua, già chưa tới; lại thêm cái nghề cung văn tài hoa, đàn ngọt hát hay nữa, có bao nhiêu ánh mắt liếc ngang, liếc dọc của các bà con nhang, đệ tử thì cũng chả có gì đáng trách. Tôi biết có một bà chắc cũng ngoại tứ tuần rồi, nhưng còn trẻ trung, đang ở vậy một mình, con trai đi bộ đội cụ Hồ, ngoài vùng tự do. Bà này thường đi lễ ở đền cô đồng Đáo. Những buổi đi lễ bà thường chăm sóc việc cơm nước cho bố tôi. Bà cũng hay trò chuyện với anh cả của tôi. Hôm bố tôi lên lão 60, bà cũng có mặt dự lễ chúc thọ. Tôi và các anh em trai tưởng sớm muộn việc của bố cũng thành, nào ngờ bà chị dâu để ý thấy dấu hiệu thân mật của mọi người, lập tức phản ứng dữ dội. Sau lễ mừng thọ, không hiểu vì cớ gì vợ chồng anh cả to tiếng với nhau, chị dâu tôi gào khóc thảm thiết, lăn lóc trên sân gạch, lăn từ trong nhà ra tận chân đống rơm. Chị tôi kể lể, trách chồng, không can bố, không lo nay mai bố có vợ kế rồi nhà cửa ở vào đâu, ăn nói ra sao, anh em trong nhà túm tụm vào một mảnh đất. Lại còn thêm cô cháu gái, con ông chú ruột, mồ côi cả bố lẫn mẹ, bố tôi nhận làm con nuôi nữa...Chị dâu tôi khóc từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối... Bố tôi bỏ nhà sang chơi nhà bà con trong họ. Tôi đang học lớp cuối cấp tiểu học, vừa phải học thi, vừa nghe đủ chuyện não nề...

Câu chuyện đi bước nữa của bố tôi sau hôm đó, bỗng nhiên không ai bàn đến nữa. Rồi Thủ đô được bộ đội ta vào tiếp quản, công việc cúng vái bị ngăn cản, bố tôi trở về với đồng ruộng. Một ông già, đầu hai thứ tóc, mùa nào cũng cày ruộng, tháng ba ngày tám thì chăn bò, nấu cơm, làm hết việc nhà, cho con trai út đi học! Tôi không đành lòng rẽ theo ngả nào khác. Con đường duy nhất là về quê, học nghề cày ruộng, hai bố con tần tảo kiếm ăn và dựng nghiệp. Rất nhiều hoang mang, bỡ ngỡ. Bố tôi an ủi:


  • Nhà mình bao đời nay vẫn cày cấy. Cải cách ruộng đất được nguyên canh năm sào ruộng, với nửa con bò, nuôi chung với anh cả. Chẳng phải mua sắm gì nữa, cứ thế chịu khó làm ăn, chắc cũng sống được!


Tôi trở thành người thợ cày bất đắc dĩ, nhưng cũng rất hào hứng. Quê tôi ở xã Xuân Đỉnh, ngoại thành Hà Nội, có cam Cáo, vải thiều nổi tiếng. Cả xã lại đang chuẩn bị hợp tác hóa nông nghiệp rất sôi nổi. Ngay những ngày đầu, tôi được xã chọn làm thư ký Uỷ ban hành chính kiêm giáo viên lớp vỡ lòng dân lập. Ít lâu sau lại được bầu vào Ban chấp hành Chi đoàn xã. Hàng ngày, tôi dạy từ 4 giờ sáng, bắt đầu ngày mới bằng buổi đi cày, trưa về, ăn qua loa rồi đi dạy học, hai giờ chiều lại đi trực ở Uỷ ban. Ở nông thôn hồi đó, tối nào cũng họp đến khuya, nhưng sáng nào tôi cũng phải dạy rất sớm, và như đã thành thói quen, ngày nào tôi cũng theo dõi đầy đủ buổi phát thanh Ngoại thành đổi mới của Đài Hà Nội. Nghe đài, biết nơi nào làm ăn giỏi, biết cách trồng cấy đúng thời vụ, lại biết thêm nhiều người có sáng kiến cải tiến nông cụ... Lâu dần chẳng những nghe, mà còn thích viết cho Đài, để trao đổi kinh nghiệm, để tự động viên bà con quê mình. Tôi viết mấy bài, tin đều được dùng cả, rồi lại được cán bộ, phóng viên Đài về thăm, hướng dẫn cách viết, còn được trả nhuận bút nữa!


Cuộc sống của tôi đang yên ổn, Ngày lo cày ruộng, lo chỉ đạo sản xuất với vai trò Phó Chủ nhiệm hợp tác xã; đêm đêm phải cùng các ông lão nông tri điền lập quy hoạch trồng cây gì, ở cánh đồng nào; làm bờ vùng, bờ thửa ra sao để có mương tự chảy, tưới tiêu cho hợp lí hơn. Công việc bận túi bụi thế, nhưng tuần nào cũng có đêm cùng các bạn trẻ làm ca dao, hò vè, tập hát chèo...Tưởng như tôi mãi mãi là anh thợ cày, rồi sẽ lấy vợ, đẻ con, rồi già nua, vui với điền viên, con cháu. Không thể nào ngờ, có ngày, anh Thanh Hà về gợi ý đi làm phóng viên. Tôi toát mồ hôi, không phải vì mừng mà vì lo.

Loa truyền thanh, nét văn hóa của Hà Nội xưa

Cả năm vừa rồi, sau cái vụ Ban Tổ chức Thành ủy đưa đi khắp nơi báo cáo kinh nghiệm xây dựng cơ sở Đảng, bỗng nhiên, nhiều cơ quan muốn tuyển dụng tôi. Nào là Bộ Nông trường, nào là Khu Gang thép Thái Nguyên, Ban Xây dựng Nhà máy Cao su Sao Vàng... Cơ quan nào cũng về xã gặp lãnh đạo Chi bộ, Ủy ban xin được giúp đỡ để có nhân sự đưa đi đào tạo cán bộ trẻ. Tôi chưa kịp hiểu điều gì sẽ xảy ra thì lãnh đạo xã đã dội gáo nước lạnh: “Yêu cầu đồng chí kiểm điểm động cơ công tác, thái độ đứng núi này trông núi nọ...”. Cả tháng trời, họp lên họp xuống, cá nhân tôi trình bày kiểm điểm, rồi tập thể góp ý. Chỉ nghĩ lại thôi đã thấy ớn. Bây giờ lại đến lượt Đài Truyền thanh Hà Nội đặt ra vấn đề này nữa, có lẽ tôi không sống yên lành được với mấy ông lãnh đạo xã. Tôi thật thà trình bày tâm sự đó với anh Thanh Hà. Anh Hà cười hiền hậu, giọng thủ thỉ: “Cậu yên tâm. Việc gì cũng có cách của nó. Chỉ cần cậu có nguyện vọng đó, việc còn lại, Thành phố sẽ lo”. Được đi làm phóng viên thì còn gì bằng nữa. Tôi đồng ý và trông cậy cả vào cái cách mà anh Hà đã hứa. Từ hôm ấy, tôi làm việc chăm chỉ, luôn luôn để ý động tĩnh từ các ông lãnh đạo xã.

Tết năm ấy nghe bài thơ “Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng" của nhà thơ Tố Hữu, tôi cứ tưởng mình đang bay lên; nhưng thực tế thì mọi việc vẫn như cũ. Im lặng và chờ đợi! Đến gần cuối tháng 3, tôi được Ban Tổ chức Quận ủy gọi lên hỏi nguyện vọng. Tôi cũng thành thật bày tỏ mong muốn được thử sức trong lĩnh vực mới, xin được cấp trên giúp đỡ. Tôi không nhận được lời hứa nào, chỉ được lời khuyên: “Dù sao cậu phải yên tâm làm tốt mọi việc được giao đã. Khi nào cấp trên có quyết định hãy vui!”. Tất cả các ông bà lãnh đạo xã không ai hỏi tôi một câu. Dường như họ chưa biết gì cũng nên. Tôi không phải chờ lâu. Đầu tháng 4, ông Bí thư xã gặp tôi, nói: “Đồng chí có quyết định điều động lên thành phố công tác. Đồng chí chỉ có một tuần để bàn giao mọi công việc cho người kế nhiệm”. Ông Bí thư già vốn đã không cởi mở, nay nói chuyện này cứ tỉnh queo, làm tôi càng ngại. Tôi chỉ biết vâng, và nhận quyết định của Ban Tổ chức Thành ủy. Cuối cùng thì mọi việc cũng xong. Mấy ông lãnh đạo xã cứ như nhận được một quả đắng, chả ai thèm nói với tôi câu nào. Họ chia tay tôi trong luyến tiếc và như muốn trách cứ. Ngày 10/04/1961, tôi bước chân vào Đài Truyền thanh Hà Nội. Không ngờ, nơi tôi làm việc chỉ cách căn phòng tôi vẫn ngồi nghe anh Huyền Tâm chỉ vẽ về cách làm ca dao, hò, vè có mấy bước chân thôi! Đó là số nhà 47 Hàng Dầu, nơi Sở Văn hóa và Đài Truyền thanh Thành phố cùng chung trụ sở. Nơi đây sẽ gắn bó cuộc đời trai trẻ của tôi với bao buồn vui, khát vọng, thất vọng, và cả thành công nữa!

Tăng gia sản xuất theo mô hình Hợp tác xã Đại Phong

Trở lại những ngày đầu làm phóng viên, tôi được phân công chuyên viết về nông nghiệp, một công việc không có gì lạ lẫm.


Hồi đầu, nghe khẩu hiệu "đuổi kịp trung nông" thấy cũng kêu kêu. Về sau, xuống xã nghe bà con bàn tán mới thấy nó có sức cổ vũ lớn. Thì ra “xóa đói, giảm nghèo” đã là ước muốn của bà con nông dân từ hồi đó. Tôi nghe bà con nông dân trao đổi với nhau kinh nghiệm làm ăn, bàn với nhau cách áp dụng kỹ thuật mới. Bà con hỏi nhau sao nhiều nơi họ làm giỏi thế, năng suất cao thế; mình cũng hợp tác xã rồi mà ì ạch mãi. Thì ra, bà con muốn có hình mẫu hợp với đồng đất ngoại thành, chứ nói Hợp tác xã Đại Phong thì xa xôi quá! Trong cơ quan chúng tôi bắt đầu bàn đến việc phát hiện và nhân điển hình. Tôi đề nghị tổ phóng viên của chúng tôi cùng nhau tìm điển hình. Anh Thanh Hà, rồi các anh Quang Tự, Bùi Dư, Bùi Kim và tôi chia nhau đi Lỗ Khê, Đông Ba, Uy Nỗ, Khuyến Lương...

Chúng tôi tìm hiểu tình hình, phân tích nguyên nhân thành công, rút ra bài học rồi trao đổi ý kiến với cán bộ xã, hợp tác xã. Khi viết bài xong, còn tìm cơ hội gặp và xin ý kiến của lãnh đạo Huyện và Thành phố để bài viết của mình được sát, đúng hơn, khi nêu thành điển hình sẽ có tác dụng thuyết phục hơn. Nêu điển hình tốt dễ được ủng hộ, nhưng nêu điển hình tiêu cực thì phản ứng không tốt là điều chắc chắn. Chúng tôi điều tra phê bình xã Mỹ Đình gặt chậm, thôn Phú Đô, xã Mễ Trì “chạy chợ”, khi xuống xã lần sau chẳng ai thèm tiếp, làm việc xong phải dắt nhau ra quán ăn tạm mẩu bánh mì. Có lần phê bình Công ty Vật tư Nông nghiệp Huyện, cả Thường vụ Huyện ủy phải họp, lại có cả đồng chí Phó Bí thư Thành ủy dự, chứng tỏ cơ quan lãnh đạo các cấp rất coi trọng việc biểu dương, phê bình trên báo và rất ủng hộ báo, đài trong công việc này. Công việc của tổ phóng viên Ngoại thành chúng tôi đã được cả cơ quan chú ý. Không lâu sau, Ban lãnh đạo Đài và Chi hội Nhà báo tổng kết kinh nghiệm và phát động cả Đài cùng tham gia tuyên truyền điển hình. Các điển hình như Xí nghiệp cơ khí Nam Thái tự lực vươn lên, tổ dân phố 30 Đống Đa bảo vệ an ninh, y tá Trần Xuân Đậu và tổ hồi sức cấp cứu A9 Bạch Mai hết lòng phục vụ người bệnh... lần lượt được giới thiệu, tạo nên một cách làm mới trong công tác tuyên truyền trên đài khá sinh động và phong phú.

Bốn mươi năm cầm bút, tôi cùng các đồng nghiệp đã có dịp đi khắp đất nước, viết hàng nghìn tin, bài về nhiều đề tài khác nhau. Niềm vui lớn nhất của tôi là đã có những tin, bài phục vụ thiết thực cuộc sống, được người trong cuộc nhắc lại và ghi nhận như là một dấu ấn trong cuộc sống mà họ đã trải qua. Năm chuẩn bị nghỉ hưu, tôi có dịp gặp lại anh Lương Văn Nghĩa, nguyên chủ nhiệm Hợp tác xã Khuyến Lương năm xưa, nay đã là Ủy viên Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Anh Nghĩa vui mừng nắm chặt tay tôi, nói:

  • Ồ, chào anh thợ cày làm nhà báo! Hôm nào anh rảnh, mời anh về thăm lại Khuyến Lương quê tôi. Bà cụ tôi vẫn nhớ anh lắm. Có lần, cụ hỏi tôi: “Anh có nhớ cái anh nhà báo, về ở nhà mình, mà ban đêm còn đi đạp guồng tát nước chống hạn với bà con hợp tác không nhỉ? Hôm nào gặp, anh rủ anh ấy về chơi cho vui.”

Đến hôm nay, tôi vẫn chưa đáp lại lời mời của anh Nghĩa; nhưng kỷ niệm về những ngày công tác ở Hợp tác xã Khuyến Lương thì luôn luôn hiện lại trong tâm trí tôi. Một chiếc ba lô với bộ quần áo nâu, đôi dép lốp, chiếc xe đạp cũ kỹ, tôi đã đến làng quê ấy vào buổi chiều đầu đông. Và ngay trong đêm đầu tiên, tôi đã ra đồng cùng anh Nghĩa đạp guồng tát nước chống hạn. Không có quy định nào, cũng không có một thông lệ hay một lời đề nghị nào cả, nhưng nếu không làm như vậy thì chẳng lúc nào có thể hỏi chuyện anh Nghĩa để có tài liệu mà viết bài. Ngờ đâu, hình ảnh anh nhà báo đạp guồng tát nước với chủ nhiệm hợp tác xã lại in sâu trong trí nhớ cụ già nhà quê đến tận mấy chục năm sau.

Hà Nội, hè 2007

ĐỌC PHẦN TIẾP THEO

Phần 2 - Thời cơ và sự nghiệp

Đỗ Gia Bính

Nhà báo, Doanh nhân, Người hát Karaoke

Liên hệ với tôi

binh.dogia@gmail.com

098687 5224

Khu đô thị Dương Nội, Phường Dương Nội,

Hà Đông, Hà Nội