Một chuyến xa nhà, vui buồn lẫn lộn, nhưng để lại nhiều kỷ niệm, nhiều ấn tượng sâu sắc.
Dùng dằng, nấn ná mãi, cuối cùng cũng phải quyết định ngày lên đường. Xe của Vùng kinh tế mới Hà Nội ra chở vật liệu truyền thanh do thành phố cấp để lắp đặt hệ thống truyền thanh cho các hợp tác xã và cư dân Vùng kinh tế mới Hà Nội ở Lâm Đồng sẽ đến Đài Hà Nội vào ngày mai. Tiện thể, họ cũng đón mình vào Nam Ban nhận công tác luôn. Công việc chuẩn bị cũng đã tiến hành vài tháng nay rồi, mọi việc đã sẵn sàng. Sáng mai, mình sẽ đến công ty vật tư truyền thanh cùng nhận vật liệu với anh em trong Vùng kinh tế mới, rồi theo chuyến xe đó vào Nam Ban luôn.
Chiều hôm qua, nghe tin ông chú biệt phái vào Vùng kinh tế mới Lâm Đồng, cháu Hiện ra chơi, cũng là dịp hàn huyên, tiễn chú đi công tác. Cháu nói với thím:
Vợ tôi vui vẻ nói:
Cháu Hiện cũng như các cháu ở quê nghe tin chú đi công tác xa nhà, đều lo lắng cho thím, tay xách, nách mang ba đứa con nhỏ, bao nhiêu công việc hàng ngày, lại còn hai con lợn đang vào kỳ ăn xổi. Cháu nào cũng hỏi thăm, cháu nào cũng hứa sẽ qua lại, thăm hỏi, giúp đỡ thím. Cháu Hiện có vẻ nhanh nhảu hơn cả, vì ông chú thường để ý công việc làm của anh ấy và cho nhiều lời khuyên bổ ích. Phần tôi, không bận rộn vì công việc chuẩn bị đi công tác, mà lo lắng vì nhiều việc ngổn ngang, chưa có giải pháp nào ổn thỏa, nên cũng chẳng bụng dạ đâu mà ngồi hàn huyên với ông cháu. Tôi dặn cháu Hiện: “Nhớ bảo vợ cháu thỉnh thoảng ra thăm thím, có thể giúp được việc gì thì đỡ đần thím, cho chú yên tâm hơn.”
Bữa ăn cũng kết thúc nhanh.
Mấy đêm nay, vợ chồng chúng tôi dành nhiều thời gian bàn chuyện thu xếp gia đình; vợ tôi ở nhà nhiều việc nặng nhọc quá. Một nách ba đứa con nhỏ, nhà đang nuôi hai con lợn đến tuổi lớn, lại còn công tác cơ quan. Tôi chỉ còn biết động viên vợ cố gắng; phần tôi vào trong đó sẽ cố tìm việc làm, thêm thu nhập, phụ đỡ cho gia đình bớt khó khăn. Tôi biết, mười năm qua gia đình nhỏ của chúng tôi trải qua bao nhiêu khó khăn, vợ tôi vẫn không một lời phàn nàn, vẫn luôn tìm cách vượt qua. Lần này, gánh nặng trĩu hai vai, chính tôi cũng không tưởng tượng ra cách vượt, nên tôi cứ nấn ná tìm cách trì hoãn chuyến đi. Một chuyến đi không đáng có, nhưng người lãnh đạo cơ quan tôi đang muốn lập công với cấp trên, nhất quyết dẹp bằng được những kẻ bướng bỉnh. Ông ta nghe lời những kẻ ton hót, nịnh bợ, một lúc “tống” đi hàng loạt cán bộ chủ chốt. Người thì đi thu thuế, người chuyển sang cơ quan khác, còn tôi, ông ta nhất quyết cử đi kinh tế mới Lâm Đồng. Việc biệt phái vào Vùng kinh tế mới vốn chỉ cần một phóng viên bậc một như anh Hy Trung vừa kết thúc nhiệm kỳ một năm ở trong đó ra, nhưng ông ta gọi đích danh tôi - Trưởng Ban Kinh tế kiêm Tổ trưởng Truyền hình - vào thay. Tôi đã nén tất cả mọi bất bình, trình bày rõ hoàn cảnh cực kỳ khó khăn mà một mình vợ tôi không vượt qua nổi, để mong ông ta xem xét lại mà cử người khác thay tôi. Nhưng ông ta nhất quyết đòi hỏi tôi, đã là đảng viên thì phải chấp hành!
Những câu chuyện lùm xùm ở Đài, thông qua thư tố cáo của nhóm phóng viên trẻ, đến tai Thành ủy. Tôi nhận được thư của Ban Tổ chức Thành ủy mời lên gặp. Ông Ký, Phó Ban Tổ chức, nghe tôi trình bày xong, đã nêu vấn đề: "Ban Tổ chức Thành ủy có thể yêu cầu đồng chí Giám đốc Đài để đồng chí ở lại và giữ nguyên vị trí công tác của đồng chí, nhưng đó là một quyết định khó khăn, vì đồng chí phải vượt qua việc soi xét hàng ngày, hàng giờ của ông Giám đốc, không cẩn thận việc bé xé ra to, hậu quả khôn lường đấy! Đồng chí cân nhắc kỹ, nếu làm được thì chúng tôi ủng hộ." Tôi không ngại phải đối mặt với ông Giám đốc, mà điều đáng suy nghĩ hơn là mỗi khi ai đó được cấp trên can thiệp, mọi người cảm nhận ngay đó là do có ô dù che chở, cuộc đấu tranh bảo vệ lẽ phải sẽ không còn có ý nghĩa nữa. Tôi cảm ơn sự quan tâm của Ban Tổ chức Thành ủy, và trình bày nguyện vọng của tôi. Tôi quyết ra đi và hoàn thành tốt công việc tại Vùng kinh tế mới, chỉ mong Thành ủy quan tâm ủng hộ cuộc đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ pháp luật của lớp phóng viên trẻ của Đài đi đến hiệu quả thiết thực.
Khai hoang ở Vùng kinh tế mới
Ngã ba bùng binh Nam Ban
Tôi đã xác định ra đi và thực sự bắt tay vào chuẩn bị. Hôm sau Tết, cháu Bình gửi cho một chiếc ba lô bộ đội và chiếc màn tuyn đã nhuộm màu xanh lá. Tôi thêm vài bộ quần áo và chiếc chăn dệt Nam Định. Hành trang quá đơn giản, gọn nhẹ. Tôi khoác vội lên vai và nhảy lên cabin chiếc xe tải đã bốc đầy hàng. Hàng chục thùng gỗ đựng loa Liên Xô, nhiều cuộn dây lưỡng kim đã xếp gọn trên thùng xe. Cậu Thúy, cán bộ Trạm Vật tư Vùng kinh tế mới đi áp tải, ngồi ngoài cùng. Tôi chào hỏi mọi người và làm quen:
Cậu Thúy bắt chuyện và nhanh nhảu kể mọi việc đang xôn xao cả vùng. Nào xe Reo chở gỗ cho dân làm nhà, máy cày vỡ đất cho xã viên trồng cà phê, giờ lại có cả loa đài xịn nhất Thủ đô nữa; làm gì mà bà con ta chả hồ hởi! Câu chuyện vừa vào nhịp thì tôi đã chìm vào giấc ngủ. Mấy đêm chập chờn, sửa soạn lên đường, với biết bao chuyện cần bàn bạc, căn dặn, vợ chồng tôi không đêm nào ngủ sớm được. Thành thử lên xe một lúc là giấc ngủ kéo đến. Đường trường mấy ngàn cây số, qua mấy đêm ngày, tôi cũng chẳng nhớ nữa. Sẩm tối hôm thứ tư, xe đỗ ngay cổng kho vật tư của Nam Ban. Gần chục anh em bốc vác, tôi mệt, nên được anh em đưa về Đài Truyền thanh Vùng trước.
Đài Truyền thanh Vùng là ngôi nhà 3 gian, tường gạch, mái ngói, khang trang nhất khu vực. Hết giờ làm việc nên chỉ còn vợ chồng cậu Nên, cô Thu, là công nhân của Đài, trực máy tăng âm. Nhà cô Thu ở ngay sau Đài, sát bên bờ suối. Cô Thu vốn là công nhân Đài Truyền thanh Gia Lâm, tôi quen biết từ hồi làm cùng cơ quan. Cô ấy chia tay chồng cũ nên vào kinh tế mới, gặp cậu Nên khỏe mạnh, khá điển trai, cô cậu thành vợ chồng ngay. Họ cũng đã kịp có thằng con trai có cái tên rất vui: Tiến Tùng! Hai vợ chồng cô ấy đã chuẩn bị cơm rượu đón thủ trưởng mới. Gà nhà nuôi được, rượu dân doanh, ở đây chẳng thiếu. Thế là anh chủ nhà nâng cốc mời khách. Tôi đi đường mệt, ăn uống qua loa, chào hỏi, chuyện trò cho phải phép, rồi tôi lên cơ quan dọn giường chiếu cho giấc ngủ. Anh em trong Đài biết tôi sắp vào, cũng dọn dẹp, ngăn nửa phòng biên tập bằng một chiếc tủ, phía sau là chiếc giường cá nhân. Nửa ngoài tôi nhìn thoáng qua, thấy có chiếc bàn và ghế ngồi làm việc. Thôi để mai hãy tính. Tôi đặt chiếc ba lô bộ đội của cháu Bình tặng, giở chiếc chăn Nam Định cũ ra cùng với chiếc màn tuyn của lính Trường Sơn vứt ra giường. Cậu Nên bảo: "Xếp chuẩn bị đơn sơ quá, trong này tháng ba, đêm còn rét đấy ạ, để em cho xếp mượn chiếc chăn nữa, may có cái màn không thì muỗi nó khiêng mất xếp của bọn em đấy." Tôi thu xếp giường chiếu qua quýt, rồi chui vào trong màn đắp chăn ngủ lúc nào không biết nữa.
Vườn cà phê ở Nam Ban
Sáng hơn 6 giờ, cô Thu mở máy tăng âm ngay phòng bên cạnh, loa 10 watt treo đầu nhà đánh thức tôi bắt đầu một ngày làm việc mới. Cô Thu dẫn tôi lên chào các thủ trưởng Vùng kinh tế mới và nhận quyết định bổ nhiệm Trưởng Đài truyền thanh Kinh tế mới. Lãnh đạo Vùng cũng toàn người quen cả: anh Tư Mỹ, vốn là Bí thư Huyện ủy Từ Liêm, anh Hàn, từ Quận Ba Đình vào. Phan Hữu Giản thì là bạn học với tôi, quê Tứ Liên. Anh ta vào đây làm Phó ban, rồi lại chuẩn bị ra học Nguyễn Ái Quốc để vào làm lãnh đạo. Tôi báo cáo ngắn gọn chương trình triển khai xây dựng hệ thống truyền thanh mới cho vùng rồi xin phép về họp anh em toàn đài.
Cuộc họp đầu tiên của Đài đông đủ cả. Ngoài vợ chồng cô Thu có anh Tám, biên tập viên, anh Ấp, công nhân đường dây, cháu Thoa, y tá kiêm kế toán. Tính cả tôi nữa mới là bảy người. Tôi chào mừng và thăm hỏi từng người trước khi phổ biến kế hoạch xây dựng hệ thống truyền thanh mới. Tuy ít người nhưng không khí đầm ấm. Nghe xong, mọi người vỗ tay rầm rầm.
Tan họp, cháu Thoa xin gặp để đề nghị cho ra Hà Nội học chuyên môn kế toán, tốt nghiệp xong sẽ xin vào tiếp tục công tác. Tôi hứa sau khi trao đổi ý kiến với Phòng Tổ chức của Vùng, rồi sẽ giải quyết.
Tôi quay lại trò chuyện với anh Việt về công tác biên tập. Tôi đề nghị ngoài tin tức thi đua sản xuất, nên thêm các bài hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cà phê, dâu tằm, cách nuôi lợn lai kinh tế… là những sản phẩm mới của vùng này. Anh em cũng nên chú ý viết những gương người tốt việc tốt trong sản xuất và bảo vệ trị an trong vùng. Anh em nêu ý kiến Đài nên xin thêm biên chế phóng viên, vì địa bàn vùng kinh tế mới rộng gần như một huyện, mà đài chỉ có hai phóng viên thì làm việc vất vả bao nhiêu cũng không đủ sức phản ánh công việc trong vùng. Tôi ghi nhận để trình bày với cấp trên. Xong việc, tôi trao đổi thêm với cô Thu về những khoản tôi cần đóng góp tài chính cho việc ăn uống hàng ngày. Cô Thu là người xởi lởi, nói: “Tùy anh thu xếp được chừng nào, vợ chồng em cũng lo được. Trong này, mua gạo tự do, không cần tem phiếu, thức ăn chủ yếu là rau, đậu phụ, còn thịt thi thoảng mới có bán, anh em chịu khó cơm canh suông; khi nào có thịt thì hãy uống rượu.”
Buổi chiều, rảnh việc, tôi mới để ý ngay sau Trạm bưu điện là nhà ông Võ Dư Đồng, nguyên Chủ tịch huyện Đông Anh. Ông Đồng là cán bộ miền Nam tập kết, chắc quê cũ của ông chẳng còn ai thân thích, nên vừa nghỉ hưu, nghe tin có chủ trương đưa dân Hà Nội đi kinh tế mới Lâm Đồng, ông bà cũng đăng ký đi ngay đợt đầu. Vào đây gần 5 năm, nay ông bà đã có nhà cửa khang trang, vườn mít và bơ trĩu quả. Thấy tôi sang chơi, ông mừng lắm, đã vội nói thầm với bà làm con gà đãi khách. Tôi hỏi thăm đủ thứ chuyện. Ông cũng muốn nghe xem Hà Nội có gì mới không. Ông bảo: “Cậu mới vào công tác, có gì khó khăn, cần tôi giúp thì cứ nói. Anh em mình lúc ở thành phố không có điều kiện giúp nhau, nhưng vào đây thì khác. Mình vào trước, đời sống ổn định rồi, cậu vào sau bỡ ngỡ, tối lửa tắt đèn có nhau. Cái gì chứ sáng sáng lót dạ vài quả bơ thì cứ thoải mái dùng, của nhà trồng được mà!” Tôi ngồi nhấm nháp vài chén rượu ngâm thuốc với ông cựu Chủ tịch huyện, nghe ông kể chuyện làm ăn của người dân ở đây, cũng thấy vui lây, thêm gần gũi xóm giềng, không ngần ngại mỗi khi qua nhận vài quả bơ hoặc nải chuối chín.
Tối hôm ấy, không còn buồn ngủ nữa. Nỗi nhớ nhà lại chợt đến. Giờ này, vợ con tôi ở nhà ra sao? Trời ơi, xa nhà, nghĩ nguồn cơn vợ đèo hai đứa con sinh đôi sáng đi nhà trẻ, tối đón về, cũng đủ thấy nẫu ruột. Không hiểu vợ tôi làm cách nào quản nổi hai đứa con trai cứ lủi thủi nghịch ngầm, lại còn một cô con gái đang học cấp một nữa chứ. Cũng may trường của cháu ngay đằng sau nhà. Miên man nghĩ ngợi, chắc phải đến quá nửa đêm mới ngủ được. Hôm sau rồi hôm sau nữa, công việc nó cuốn đi, cũng chẳng có lúc nào rảnh mà nghĩ ngợi nữa. Tháng đầu, theo chân anh em vào hợp tác xã Thanh Trì, rồi Đông Anh, chỉ đạo làm hệ thống truyền thanh, mắc loa nhỏ ¼ watt vào từng gia đình xã viên. Tháng thứ tư xong việc ngoài Nam Ban, tôi theo xe chở vật tư vào Lán Tranh, chuẩn bị rải dây, mắc loa to 10 watt vào đầu xóm, giữa và cuối xóm. Xe chở vật tư vào bàn giao xong, họ về. Tôi ở lại cùng anh em bàn việc mắc loa cho xóm xa trung tâm đến 40 km. Chiều nghĩ đến đường về mà ngại. Anh em công nhân của trạm khuyên thật lòng: "Khoảng hơn hai giờ thì anh nên về đi, anh đi bộ vài tiếng ra đến đường nhựa thì gặp xe nào cứ vẫy, họ cho đi nhờ được đoạn nào hay đoạn ấy; nếu gặp xe của Vùng kinh tế mới thì nhờ họ cho về Nam Ban. Nếu hết đường nhựa không gặp xe thì cũng phải ba, bốn tiếng mới về đến nơi đấy." Tôi rời Trạm truyền thanh Lán Tranh lúc hơn hai giờ, cuốc bộ ra đến đường nhựa, may quá gặp chiếc xe tải, cậu lái xe vui tính hỏi xin bao thuốc và cho đi nhờ về Nam Ban. Cũng xẩm tối mới về đến nhà. Đó là một ngày mệt lử, ăn vội bát cơm rồi về phòng chui vào màn ngủ một mạch đến sáng!
Lại nói đến chuyện tăng gia sản xuất. Ở vùng kinh tế này, mỗi cơ quan đều có chủ trương xin đất của hợp tác xã cho mỗi cán bộ biệt phái từ Hà Nội vào có điều kiện trồng đỗ hoặc lạc. Khi thu hoạch, Ban lãnh đạo Vùng lại tạo điều kiện cho gửi công ty thương nghiệp đem xuống Sài Gòn bán cho trạm xuất khẩu, có thêm thu nhập cho anh em. Tôi cũng được cơ quan mượn cho 5 sào ruộng trồng đỗ xanh; đỗ giống thì anh em trong Đài ủng hộ, vỡ đất thì nhờ đội cày máy giúp cho nửa buổi, anh em còn góp công cùng đi trồng, nửa tháng sau đi làm cỏ, rồi cuối mùa lại giúp thu hoạch. Cả cơ quan giúp mình, chả lẽ lại không làm nên chuyện hả? Đấy là nói kiếm thêm bằng lao động chân tay. Nhưng quan trọng là tôi đã chắp được mối với Ty Thủy lợi Lâm Đồng thuê làm bộ phim tài liệu "Thủy lợi nhỏ ở Lâm Đồng". Chuyến này đi Hà Nội sẽ bàn với Lê Định chuẩn bị phim và hẹn thời gian vào Đà Lạt quay. Nơi phát sóng thì đã có Đài thành phố Hồ Chí Minh, cả một đám bè bạn nhận giúp, in tráng và dựng phim 16 li, có Út Liên (Lê Liên). Mình viết lời bình và em Khải Hoàn, phát thanh viên cũ của Hà Nội đang làm phát thanh viên ở trong này, đọc giúp. Bạn tôi, anh Đinh Phong, Phó Giám đốc Đài, sẽ duyệt phát sóng vào thời gian sớm nhất có thể... Kế hoạch khá chu đáo, chỉ còn việc ký hợp đồng với Ty Thủy lợi, sau đó báo cáo với Ban lãnh đạo Vùng xin phép đi làm phim để có thời gian chính xác hẹn với Lê Định.
Thấm thoắt đã đến tháng 10; thời gian hẹn để xin nghỉ phép ra Hà Nội. Chuyến đi này cũng kết hợp nhiều việc. Ngoài việc nghỉ phép một tháng theo tiêu chuẩn của Vùng, tôi còn nhận nhiều việc khác của Ban lãnh đạo giao: viết bài đăng báo Nhân Dân về kết quả 5 năm đầu tiên của Kinh tế mới Hà Nội ở Lâm Đồng, coi như một bản báo công của bà con trong này với đồng bào và lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo Thành phố; liên hệ với các báo sưu tầm các bài báo, bức ảnh về Vùng kinh tế mới Hà Nội ở Lâm Đồng để chuẩn bị triển lãm cho bà con trong Vùng xem; bàn bạc với Lê Định về chuyến đi làm phim cho tỉnh Lâm Đồng; ngoài ra còn chuyện em Khang, con nuôi của ông bố vợ muốn vào Nam Ban làm việc, cần bàn với em ấy xem có thuận lợi không… Ngần ấy việc, thỏa thuận xong xuôi cũng phải vài tháng. Nếu suôn sẻ thì cũng sau Tết âm lịch mới vào Nam Ban được.
Thác Voi, Thị trấn Nam Ban
Thăm lại Đà Lạt
Chuyến đi phép đầu tiên, tôi cũng lần đầu tiên đi máy bay từ sân bay Đức Trọng ra thẳng Hà Nội. Từ buổi trưa, xe của Vùng đã chở tôi và anh em đi tiễn ra sân bay Liên Khương. Làm thủ tục và chờ đợi mãi đến chiều mới biết thời tiết xấu không bay được. Đêm ngủ lại sân bay trong phòng chờ trống trải, rét sâu. Anh em quản lý sân bay vốn có quan hệ mật thiết với Vùng kinh tế mới nên tạo điều kiện cho mượn chăn màn đầy đủ, không lo rét; chỉ có điều bụng hơi lép. Chả là bệnh sĩ khiến tôi từ chối lời mời ăn tối, đành để bụng đói, về Hà Nội. Sáng hôm sau 10 giờ bắt đầu bay, 12 giờ trưa đến Gia Lâm. Tôi về nhà đã quá giờ ăn trưa, vợ tôi cũng ngạc nhiên thấy tôi về mà không được báo trước. Tôi đặt ba lô hành lý xuống là miên man vào chuyện: chuyện nhà cửa, chuyện các con học hành, rồi chuyện làm ăn của tôi cùng với những dự định sắp tới, kể lể, trò chuyện mãi đến lúc ngủ thiếp đi trong vòng tay vợ. Tỉnh dậy, thấy đói bụng, tôi mới giục vợ đi nấu cơm. Lúc bấy giờ vợ tôi mới biết là đã hơn một ngày qua tôi chỉ uống nước cầm hơi thôi. Thương quá!
Cơm sắp chín thì các con tôi ở nhà trẻ được bố đón về, mừng tíu tít. Hai cậu được bố bế lên chiếc xe đạp có lắp chiếc ghế đôi do ông ngoại thiết kế lắp đặt xinh xắn, vừa vặn cho mỗi cậu ngồi một bên. Vừa đi đường, các con tôi đều hỏi bố đủ chuyện: nào bố có tiền mua quà không, bố ở nhà có lâu không. May quá, tôi đã mang mấy quả bơ Nam Ban ra làm quà cho con. Bọn chúng lần đầu biết đến quả bơ, cứ mắt tròn mắt dẹt, ngắm nghía, suýt xoa mãi. Hai cậu cùng trèo lên lòng bố ngồi chễm chệ, líu lo kể chuyện đi nhà trẻ, mỗi tuần được phiếu bé ngoan, ở nhà cũng biết giúp mẹ quét nhà. Mẹ cũng mách hai cậu nghịch ngầm lắm. Buổi tối, dĩ nhiên hai cậu ngủ hai bên tay bố, còn mẹ nằm ngoài cùng, chị Nhu thì ngủ riêng trong buồng. Cũng có phần an ủi, vì đã có nhà tập thể Giảng Võ, có phòng trong, phòng ngoài, có bếp nước, có chỗ để xe, không như hồi ở Nguyễn Công Trứ, chỉ có nửa buồng, có mỗi chiếc giường mét tư, bếp dầu, đến giờ nấu ăn mang ra hành lang nấu, xe đạp 2 chiếc, tối cũng phải mang vào buồng…
Chủ nhật đầu tiên nghỉ phép, vợ chồng con cái lên chào ông bà ngoại. Tôi kể chuyện làm ăn trong Vùng kinh tế mới, rồi chuyện xuống Sài Gòn thăm bà Thảo. Dạo ấy, tôi đi nhờ xe của Trạm vật tư Vùng xuống thẳng nhà cũ của bà Thảo ở Quận Tân Bình. Tôi lặng người khi biết bà đã bán nhà, đang ở thuê trên Sài Gòn. Tôi lập tức tìm đến nơi bà đang ở. Bà Thảo ngạc nhiên: “Sao cháu biết cô ở đây?”. Tôi thưa gửi lễ phép như hồi gặp bà lần đầu tiên năm 1976. Tôi mang một buồng chuối và mấy quả bơ, gọi là làm quà của Vùng kinh tế mới. Bà Thảo không nói vòng vo mà vào đề ngay:
Tôi lựa lời an ủi bà: "Cháu biết là cô đang thu xếp “quy mã” như anh Thành…" Tôi chưa nói hết câu, bà đã vội đưa tay lên miệng: “Xuỵt! Bé bé cái miệng chút, không thì hỏng việc của cô!”. Tôi không hỏi kỹ chuyện của bà cô nữa, chỉ chúc bà gặp nhiều may mắn, sớm đến bờ bến mới bình an.
Câu chuyện tôi xuống Sài Gòn thăm bà cô không làm cho bố mẹ vợ tôi vui hơn. Ngược lại, ông tỏ ra lo lắng hơn. Ông bà nghe tôi kể chuyện làm ăn ở Vùng kinh tế mới, không một chút vui vẻ; bà chỉ nhắc nhở: “Anh liệu thu xếp mà về giúp vợ, trông con. Vợ anh vất vả quá rồi đấy!”. Tôi chỉ còn biết vâng lời, trong lòng còn lo lắng gấp bội.
Lứa học trò Chu Văn An tới thăm Thày Huyến ở Lâm Hà
Ảnh chụp gia đình đoàn tụ
Tối hôm ấy, tôi dành thì giờ hỏi han chuyện học của con gái. Cháu đòi bố dạy thêm môn toán. Tôi bảo cháu lấy phấn ra viết công thức toán trên nền gạch phòng khách. Tôi giúp cháu nhớ một cách hệ thống. Được vài hôm, cháu quen cách học, cách nhớ bài. Cháu tỉ mẩn hỏi bố: “Thế ngày trước bố cũng học bằng cái bảng sân gạch thế này à?”. Tôi kể cho cháu nghe: Ở quê, bác Vượng có cái sân gạch to gấp 5, 6 lần cái buồng của nhà mình ấy. Mỗi lần học bài, bố viết công thức một chương đủ kín hết cái sân gạch ấy. Cứ thế mà ngắm, mà nhẩm cho kỳ thuộc, kỳ nhớ mới thôi. Cháu cười: “Bố nhiều sáng kiến thật!”. Tôi mừng vì cháu chịu khó học, lại biết chủ động tìm cách học dễ nhớ nhất. Hai cậu bé sinh đôi thấy bố dạy chị học bài cũng xúm vào nghe, phụng phịu đòi: “Sang năm, bọn con đi học, bố cũng phải dạy chúng con học thêm nhé!”. Tôi cười vui: “Sang năm bố hết thời gian đi công tác rồi, ở nhà, tối nào bố cũng dạy các con học nhé.”
Về nhà, vui với không khí gia đình đầm ấm được ít hôm, lại phải nghĩ đến công việc người ta giao. Tôi tìm gặp Thế Trung, anh bạn ở Phòng Giáo dục Đông Anh xưa, bây giờ đã là Tổ trưởng Tổ ảnh Thời sự của Thông tấn xã rồi. Được Trung đưa đến bộ phận lưu trữ ảnh giới thiệu, nên tôi có thể tìm ảnh liên quan đến Vùng kinh tế mới Hà Nội một cách nhanh chóng và đầy đủ nhất. Tôi lại tìm đến nhà Lê Định, trao đổi về chuyến đi làm phim cho Lâm Đồng sắp tới. Rồi gặp Khang, kể chuyện kinh tế mới cho em ấy nghe, xem em ấy còn thích đi với anh vào Nam Ban không. Trò chuyện một hồi, trả lời em rất nhiều câu hỏi, cuối cùng em cũng thích đi xa một chuyến xem có cơ hội kiếm ăn được không. Em Khang hẹn sau Tết, sẽ thu xếp đi cùng anh.
Thời gian nghỉ phép là một tháng, nhưng nó "cao su" đến dễ sợ. Tôi nghỉ từ cuối tháng 10, mà đến sau Tết cũng chưa trả phép được. Nào là công việc lãnh đạo Vùng giao chưa hoàn thành, nào là còn thu xếp việc viết và đăng bài lên báo Nhân Dân, việc đặt Thông tấn xã làm bộ ảnh triển lãm, phải có đề cương cụ thể, được lãnh đạo duyệt, mới đặt hàng được. Hết hạn lại gia hạn, năm lần, bảy lượt, dễ cũng đến hàng tháng. Cuối cùng thì đầu tháng ba cũng phải vào lại Nam Ban.
Tháng này là mùa mưa của Tây Nguyên. Lại mưa rừng, gió núi, không có cả một lúc tạnh ráo mà kiếm rau nấu canh, có bữa phải chan nước lã đun sôi với cà muối sổi. Có đợt, mưa cả ngày cả đêm, hết ngày này qua ngày khác, đến nỗi người làm ruộng quên cả mùa thu hoạch.
Tôi trở lại Đài Truyền thanh Kinh tế mới của mình đem theo cậu em biết chút nghề chữa máy thu thanh, hy vọng kiếm sống được ở nơi núi rừng heo hút này. Còn mọi việc trong Đài vẫn thế. Đường dây và loa vẫn ổn định, Đài vẫn phát hàng ngày, anh chị em vẫn làm việc chăm chỉ. Trong vùng lại vừa được bổ sung một đồng chí Trưởng phòng Văn hóa từ Hà Nội vào, anh Phan Ngọc Chương, vốn là Bí thư Đoàn Thanh niên Sở Văn hóa, người quá quen với tôi. Có anh ấy bên cạnh, khi tôi có việc xuống Sài Gòn, nhờ anh ấy trông coi giúp cái Đài truyền thanh, kể cũng tiện. Tôi trao đổi với anh Chương về việc tôi định đi Lâm Đồng làm bộ phim về thủy lợi theo đề nghị của Tỉnh; việc này tôi đã xin phép Ban lãnh đạo Vùng, bây giờ tôi muốn nhờ anh trông coi giúp các hoạt động của Đài, và chỉ bảo cho anh em khi họ hỏi ý kiến. Tôi sẽ báo cáo với tổ chức và giới thiệu với anh em trong Đài việc này, với tư cách anh là Bí thư Chi bộ, thay tôi chỉ đạo công việc khi tôi đi công tác. Anh Chương vui vẻ đồng ý.
Đợt làm phim "Thủy lợi nhỏ ở Lâm Đồng" diễn ra rất thuận lợi. Lê Định vào đúng hẹn. Sở Thủy lợi bố trí một Trưởng phòng hướng dẫn đoàn quay phim. Tôi và Định thu xếp chương trình gọn trong một tuần. Xong việc, Định gói ghém phim vào trong hộp, bọc giấy đen ở ngoài, rồi giao cho tôi chuẩn bị mang xuống Sài Gòn in tráng và dựng phim.
Tôi về lại Nam Ban thu xếp công việc trong Đài, báo cáo Lãnh đạo Vùng, nhờ anh Chương thay tôi chỉ đạo trong vài tuần, tôi xuống Sài Gòn công tác.
Lần đầu tiên một mình đi dựng phim ở một cơ sở xa lạ. May còn có Út Liên là bạn với vợ tôi và Khải Hoàn là phát thanh viên Đài Hà Nội, mới chuyển vào Đài Thành phố, sẵn sàng đọc thuyết minh cho phim, nên tôi cũng đỡ lo. Hôm đầu tiên đến Đài gặp Út Liên, cô bé đỡ ngay cái hộp phim, khen: "Các anh cẩn thận thế này chắc chất lượng phim được bảo quản tốt." Tôi giao phim cho Út Liên mà bụng vẫn thấp thỏm. Mãi đến hôm in tráng xong, bắt đầu ngồi vào bàn dựng, trông thấy hình ảnh rõ nét, tôi mới thật yên tâm. Phim dựng xong, đưa lên duyệt, anh em khen: "Phim từ vùng sâu, vùng xa mà đạt chất lượng thế này là chuẩn rồi." Tôi giao phim cho Đài và nhờ Út Liên theo dõi, khi nào phát sóng thì báo cho tôi để báo cho anh em ở Ty Thủy lợi Lâm Đồng đón xem. Hôm giao xong phim, các em quê Hà Nội đang làm việc ở Đài rủ tôi đi hát karaoke. Phòng hát ở nhà ông Hiếu, Giám đốc Đài. Trước khi vào phòng hát, các em còn ghé thăm chị Việt Hà, phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam ngày trước, là vợ anh Hiếu. Tôi gặp anh Hiếu sau buổi hát, không ngờ lại có cơ hội gặp gỡ một ông giám đốc tâm huyết đến vậy. Ông hỏi thăm tôi về hoạt động của Truyền hình Hà Nội; chả là hồi vào Sài Gòn mua thiết bị quay phim, tôi cũng đã có dịp làm quen với ông. Ông nghe nói tôi bị biệt phái vào Lâm Đồng làm truyền thanh nên có vẻ ngạc nhiên. Lại biết Giám đốc Đài Hà Nội mới được bổ nhiệm là một sĩ quan quân đội, ông cũng phỏng đoán ngay tình cảnh của tôi, chắc là không hợp cạ với thủ trưởng mới rồi. Ông ngỏ ý mời tôi qua xem Viện Nghiên cứu Truyền hình, cũng do ông kiêm Viện trưởng. Tại đây, trò chuyện hồi lâu với ông, ông cảm thấy hợp phong cách làm việc năng động, chân thật, dễ gần, vốn hiểu biết cũng tàm tạm, nên ngỏ ý muốn tôi chuyển vào Đài Sài Gòn làm việc. Những hôm sau khi dự cuộc duyệt phim với Đài, tôi có dịp gặp lại Đinh Phong, bạn cũ của tôi từ hồi anh ấy làm phóng viên Báo Nhân Dân, và anh Nguyên, quê gốc miền Nam, có nhiều năm tập kết ra Bắc, nay là Phó Giám đốc trực của Đài. Tuy không chứng kiến những cuộc làm việc của tôi với các phòng, ban và các phó giám đốc của Đài, nhưng ông có các cộng sự theo dõi và nhận thấy tôi chịu khó lắng nghe, nhất là những điều khác biệt với người hai miền Nam Bắc, nên dễ có khả năng hòa nhập với đồng nghiệp. Trước khi về lại Lâm Đồng, ông vỗ vai tôi: "Nếu cậu làm được cái gạch nối giữa tôi và các cộng sự thật gần gũi, thì vai trò của cậu trở nên cần thiết lắm đấy!"
Tạm biệt Sài Gòn lần này để lại trong tôi nhiều kỷ niệm và một chút hy vọng. Nhưng công việc trong vùng còn ngổn ngang nhiều thứ. Tôi đã thuyết phục được Trần Ngọc Trác chuyển cả gia đình từ Huế vào làm việc cho Đài truyền thanh Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng. Trác vừa có thể làm phóng viên, vừa làm phát thanh viên; khả năng giao tiếp của cậu ấy cũng khá, ý chí phấn đấu cao, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để làm tốt nhiệm vụ. Tôi đã chuẩn bị được một người thay thế rất trẻ trung, rất yên tâm công tác lâu dài ở đây. Còn việc tạo cho cậu ấy vị trí vững chắc thì phải trông cậy vào anh Chương, Bí thư chi bộ, Trưởng phòng Văn hóa thôi!
Nam Ban lúc này đang chuẩn bị đón vị lãnh đạo cấp cao vào thăm. Việc của tôi là mượn chiếc radio của Trạm Vật tư, thử việc thu thanh để thu bài nói chuyện của cấp trên, phát thanh trên Đài Truyền thanh Vùng; đồng thời gửi ra Hà Nội để phát trên Đài Thủ đô.
Vùng kinh tế mới Hà Nội chỉ cách Đà Lạt chưa đến 50 kilômét, nên cứ đến mùa hè hằng năm, các vị lãnh đạo cấp cao vào khu nghỉ mát trung ương lại dành thời gian ghé thăm, xem cách người Hà Nội làm kinh tế mới như thế nào. Năm ngoái, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh căn dặn người dân không được phá rừng; năm nay, Thủ tướng Phạm Văn Đồng khen: “Tôi đã thấy những bãi dâu xanh dài tít tắp, những dãy cà phê bói quả; thật sự bà con mình đã thoát ra cái cảnh làm ăn tủn mủn; các đồng chí cán bộ phải cùng bà con tìm ra cách làm ăn mới mẻ, làm giàu cho mình và làm đẹp cho cả vùng đất Tây Nguyên bao la này!”
Cuộc nói chuyện của Thủ tướng đã kết thúc, một anh cán bộ trong đoàn khách của trung ương đến nắm tay tôi: “Ủa, sao cậu cũng vào tận đây à?”. Tôi nhận ra Văn Biển, cháu của Thủ tướng, tôi nắm chặt tay anh: “Mình là dân bản xứ rồi, bạn ơi! Người ta biệt phái mình vào đây làm Trưởng Đài Truyền thanh Vùng kinh tế mới đấy!”. Văn Biển hạ giọng thấp hơn: “Có phải họ không khoái cái cách phóng khoáng của cánh mình nên tống cậu đi cho khuất mắt chứ gì? Nếu đúng thế, cậu đi với mình lên Đà Lạt, mình trình bày cho.” Văn Biển nhất định thuyết phục mình phải đấu tranh với những kẻ quen đàn áp người dưới quyền. Anh ấy không chịu lùi bước. Xe của đoàn đã đi được hơn nửa tiếng rồi, anh ấy vẫn to nhỏ với mình. “Nếu cậu không muốn lên Đà Lạt thì cậu viết một bản tường trình ngắn gọn thôi, mình sẽ báo cáo với cụ.”
Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng
Gia đình Trác tới thăm nhà tôi sau nhiều năm xa cách
Có lần tôi kể đến đây, có đồng nghiệp hỏi: “Anh Văn Biển thì liên quan gì đến anh mà lại tỏ ra thân thiết như vậy?” Hình như mọi người quen nếp nghĩ “thấy người sang bắt quàng làm họ” nên nghi tôi cũng là người như thế. Câu chuyện hơi dài dòng một chút. Hồi tôi còn là người thợ cày nhưng lại thích làm ca dao gửi cho Sở Văn hóa, trong một dịp Sở Văn hóa mở một lớp huấn luyện cách viết văn cho cộng tác viên, chúng tôi tập hợp về đây vài chục người. Sau lớp ấy, chúng tôi hàng tháng có sinh hoạt nghiệp vụ với nhau, kéo dài mãi đến chiến tranh phá hoại của Mỹ mới dừng. Trong số bạn viết lách ấy, tôi nhớ nhất Văn Biển sau này có câu chuyện "Cô bê hai mươi" viết về anh hùng Hồ Giáo, chăn bò ở Nông trường Ba Vì, và Bùi Minh Quốc có bài thơ "Lên miền Tây". Văn Biển thích nói chuyện nhỏ nhẹ như phụ nữ. Anh ấy rất tình cảm, dễ gần. Chúng tôi trở thành những người bạn “văn chương nửa mùa,” gần nhau thì “văn mình vợ người,” xa nhau lại nhớ“ văn của nhau như người tình của nhau.” Lần Văn Biển gặp tôi ở Vùng kinh tế mới là tròn hai mươi năm, mà anh ấy vẫn nhớ bạn bè đến thế; đã vậy còn nhất định giúp bạn giải nỗi niềm oan ức bằng được. Anh ấy mang lá thư trình bày của tôi với Thủ tướng, và gần tháng sau anh ấy báo tin cho tôi: “Trước ngày Quốc khánh năm nay, thủ trưởng cũ của cậu bay ghế rồi nhé, chuẩn bị về lại Hà Nội thôi!”. Văn Biển nói là làm. Vì bạn mà không cần bạn nhớ ơn. Cái thuở bạn bè thời “Sáu mốt, đỉnh cao muôn trượng,” nó như thế đấy! Thời nay, liệu có còn không?
Nhà Rông ở Tây Nguyên
Chuyện kinh tế mới lan man lắm; chuyện nọ lại ra chuyện kia, nếu người có óc tưởng tượng giỏi thì có thể kể thành “Nghìn lẻ một đêm,” cũng không kém hấp dẫn lắm đâu.
Tại sao tôi lại viết kịch bản “Cao nguyên không yên tĩnh”? Hồi ở vùng kinh tế mới, mỗi trưởng ngành chúng tôi đều được cấp một khẩu K54 và được huấn luyện bắn đạn thật hẳn hoi. Hồi ấy, anh em chúng tôi thỉnh thoảng cũng có anh đụng Fun Rô; thông thường thì nó bỏ chạy, và mình cũng không truy kích làm gì, nên mỗi người được cấp 6 viên đạn, sau 2 năm mãn hạn vẫn còn nguyên hộp đạn bàn giao lại. Tôi thì lại gặp Fun Rô trong trường hợp khác.
Một lần lên Đà Lạt, gặp một đồng nghiệp từ Hà Nội vào, rỉ tai: “Có muốn xem mặt Fun Rô không?”. Tôi gật đầu, thế là bạn tôi kéo đi dự một cuộc thẩm vấn tên cầm đầu Fun Rô trong Vùng. Tôi hình dung một tên mặt đen nhám, lì lợm, mắt luôn nhìn xuống, giọng lí nhí… Sự thật không như vậy.
Tên này cao, to, da ngăm đen, tóc xoăn tự nhiên, vẻ đẹp trai trời cho. Hắn nói to, ngắt câu rõ ràng. Hắn khai:
“Tôi được huấn luyện ở Thái Lan, rồi đưa qua Tam Giác Vàng thực tập, làm quen với dân buôn ma túy, với các loại ma cô, các tay anh chị, trong đó có một số người Thượng đã từng hoạt động ở Tây Nguyên. Khoảng 6 tháng sau, người ta đưa tôi về Lâm Đồng, nói là để huấn luyện cho Fun Rô địa phương. Chúng tôi ở trên núi cao, trong hang sâu. Tôi dạy từng nhóm dăm bảy người tập bắn các loại súng ngắn, súng tiểu liên, ném lựu đạn. Tôi dạy quân sự; còn một thằng nữa huấn luyện tuyên truyền, vận động người thiểu số. Chừng nửa năm, chúng tôi đã tập hợp được hơn hai chục tên, sẵn sàng xuống núi. Chúng tôi chia làm 2 tốp, một tốp vẫn đóng quân trên núi tiếp tục tập luyện chờ thời cơ, còn tôi và một con bé người Kinh, thạo tiếng Anh như tôi thì về mở quán cà phê ở Tùng Nghĩa, tìm cách liên lạc với bọn nằm vùng ở địa phương. Quán có con bé bán hàng xinh xắn, lại nằm ngay bên đường, chẳng mấy chốc khách đông, nhiều hôm đến khuya vẫn còn đèn sáng. Chuyện lạ không qua mắt trinh sát địa phương được. Đã thế, con bé bán quán nó mê tôi, cứ bám riết mỗi khi tôi về. Một hôm tôi đang ngồi uống cà phê đợi tên liên lạc đến, bất ngờ con bé đến ôm vai tôi, xả ra hàng tràng tiếng Anh. Nó tưởng không ai để ý, nào ngờ ngay bàn bên cạnh, một cặp tình nhân khác đang rỏng tai nghe toàn bộ câu chuyện. Đúng ngày giờ hẹn, đúng ám hiệu quy định, cả nhóm chúng tôi bị tóm gọn… Và bây giờ, tôi đang ngồi khai với các ông, còn con bé bán quán và hai tên liên lạc đang bị giam ở đâu tôi cũng không biết nữa.”
Câu chuyện hấp dẫn cùng với vẻ mặt ngơ ngác rất giả vờ của tên Fun Rô khiến tôi tò mò tìm hiểu, từ đó kịch bản "Cao nguyên không yên tĩnh" đã thành hình, và hơn thế, đã trở thành bộ phim 2 tập do Công ty Nghe Nhìn Hà Nội sản xuất, Fafilm Việt Nam phát hành toàn quốc trong năm 1990.
Chuyến đi biệt phái của tôi vào vùng kinh tế mới Hà Nội gọi là 2 năm, nhưng thực chất tôi chỉ ở trong ấy khoảng 18 tháng, còn lại là thời gian làm phim cho Ty Thủy lợi Lâm Đồng, rồi đi công tác Sài Gòn, Hà Nội và 2 lần nghỉ phép, mỗi lần tròn 1 tháng.
Tôi sửa soạn hành lý để trở về Hà Nội; thù lao làm phim, phần được lĩnh tiền mặt thì đã trả tiền dịch vụ dựng phim cho Đài Thành phố Hồ Chí Minh và trao cho Lê Định; còn lại họ thanh toán bằng séc qua Trạm Vật tư Vùng kinh tế mới. Tính ra, tôi được nhận 1 chiếc TV Nép Tuyn đen trắng, với 1 chiếc quạt trần hiệu Điện cơ. Chiến lợi phẩm cồng kềnh, đóng hộp chắc chắn còn xếp lên máy bay; đồ dùng cá nhân thì vẫn chỉ nằm gọn trong chiếc ba lô bộ đội.
Mấy đêm vừa rồi, chẳng đêm nào ngủ trọn giấc. Lúc sắp đi uể oải bao nhiêu thì lúc trở về hào hứng bấy nhiêu. Tôi nằm mơ, tối đầu tiên ở nhà, hai thằng con sinh đôi ngồi trọn trong lòng bố xem TV, vợ tôi và cô con gái chuẩn bị bữa ăn tươi có món thịt gà và canh dưa nấu với tóp mỡ ép khô bằng công cụ của ông ngoại sáng chế. Quà của tôi là một túi quả bơ, đặc sản Nam Ban. Nhưng cả nhà tôi đều reo lên: "Bố về, là món quà vui nhất của cả nhà rồi!"
Một chuyến xa nhà, vui buồn lẫn lộn, nhưng để lại nhiều kỷ niệm, nhiều ấn tượng sâu sắc. Tình bạn của các đồng nghiệp khiến tôi cảm động và suy nghĩ rất nhiều. Anh em thương yêu, giúp đỡ mình, đặc biệt là người vợ gầy guộc của mình, nghiến răng chịu đựng khó khăn, khiến mình không những đứng vững mà còn vượt qua hoàn cảnh một cách bình thản. Kỷ niệm của chuyến đi không chỉ là kịch bản 2 bộ phim, mà là hai năm luôn vươn dậy, thêm động lực sống tốt hơn.
Hà Nội, thu 2024
ĐỌC PHẦN TIẾP THEO
Đỗ Gia Bính
Nhà báo, Doanh nhân, Người hát Karaoke