Từ một đề án tốt nghiệp Đại học tại chức đến sự ra đời của Truyền hình Hà Nội
Một buổi tối mùa hè năm 1976, tại ngôi nhà số 204 Trần Quang Khải, trong phòng khách nhà ông Trần Đình Hòe, Giám đốc Đài Truyền thanh Hà Nội, tôi đang nghe ý kiến của ông với tư cách là Giám đốc cơ quan mà luận văn tốt nghiệp Đại học Kinh tế của tôi đề cập. Ông Hòe nhìn tôi cười:
Ông dừng câu chuyện, nhìn tôi và nói rất chậm rãi:
Tôi được biết Đài Tiếng nói Việt Nam thể nghiệm phát sóng truyền hình đen trắng từ năm 1970; nhưng truyền hình riêng của Đài Hà Nội thì đây là lần đầu tiên tôi nghe ông Hòe đặt ra. Ông nói đến ước muốn của khán giả Hà Nội mong có kênh truyền hình riêng, tương xứng với vóc dáng Thủ đô; ông khát khao thành phố có một công cụ tuyên truyền nhanh nhạy, và giải trí hấp dẫn như truyền hình; ông cũng cho biết lãnh đạo thành phố rất tâm đắc việc sớm có chương trình truyền hình, nhưng vào lúc đất nước khó khăn trăm bề về kinh tế, lại thêm chiến tranh biên giới ở phía Nam, và đang bị Mỹ cấm vận… Đặt vấn đề làm truyền hình lúc này thế nào cho lọt tai cấp trên, cho thuận lòng dân? Ông nhìn thẳng vào mắt tôi:
Ông nhỏ nhẹ nói như giảng giải: Luận văn tốt nghiệp của anh dù to hay nhỏ, cũng là một công trình nghiên cứu; nghiên cứu về đổi mới tổ chức của một đài truyền thanh đang trưởng thành đến mức cần nâng lên thành một đài phát thanh, và hơn nữa, là một đài phát thanh có làm truyền hình cho xứng tầm là một đài của Thủ đô, thì đáng để suy nghĩ, đề xuất quá đi chứ!
Tôi im lặng lắng nghe và gần như đã bị thuyết phục. Đó là lần đầu tiên, bốn tiếng "Truyền hình Hà Nội" in vào tâm trí tôi. Ngoài bốn tiếng ấy ra, tôi chưa có chút hiểu biết nào về truyền hình.
Tôi tìm anh Chu Chử, nguyên là Trưởng ban Biên tập Nông thôn Đài Tiếng nói Việt Nam, nay đã sang truyền hình làm chương trình thể nghiệm. Anh Chu Chử nói: "Đây là việc cực khó. Phải có rất nhiều tiền, phải đào tạo rất nhiều người biết quay phim, dựng phim, biết làm chương trình, thực hiện phát sóng, phải nhiều năm mới làm được ngần ấy việc. Bạn thử nghĩ xem Hà Nội có đủ sức 'chơi' không?" Tôi trao đổi với nhiều bạn bè khác. Nhiều người thích thú, tìm sách báo đã dịch ra tiếng Việt về công việc truyền hình cho tôi đọc, mách những người quen như anh Đinh Phong, Phó Giám đốc Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh mà tôi quen biết từ hồi anh ấy làm việc ở báo Nhân Dân, để tìm hiểu. Cũng không ít người bàn lùi, e rằng tôi đưa vào luận văn tốt nghiệp có khi lạc đề, lại bị đánh trượt đại học thì sao? Đây có phải là một cái bẫy không? Thành công thì là thành tựu của cả Thủ đô, thất bại thì là tai họa của riêng mình. Tuổi trẻ và lòng yêu nghề khiến tôi vượt qua những đắn đo ấy trong chốc lát. Đồng thời, lòng tự ái bị kích động, tôi tự nguyện đưa ý tưởng làm truyền hình vào luận văn tốt nghiệp đại học của tôi để làm một cuộc thăm dò ý tưởng và quyết tâm của cấp trên. Hồi hộp, khát khao, vui say và lo lắng...
Đã qua 15 năm làm phóng viên Đài Truyền thanh Hà Nội, rất nhiều lần tôi được theo các đồng chí lãnh đạo thành phố đi thăm và làm việc với cơ sở; nay có việc muốn xin ý kiến cấp trên về ý tưởng luận văn tốt nghiệp đại học, trong đó trực tiếp đề xuất tổ chức lại bộ máy quản lý của Đài, thì đồng chí Chủ tịch Thành phố cũng sẵn lòng lắng nghe. Tôi gửi bản thảo luận văn tận tay đồng chí Trần Vỹ. Một tuần sau, gặp tôi trong cuộc họp mà tôi đến làm tin, đồng chí Trần Vỹ vỗ vai tôi thân mật:
Tối ấy, cơm nước xong tôi vội lên nhà ông Hòe thông tin lại ý kiến của Chủ tịch Thành phố. Ông Hòe và tôi cùng lặng đi sung sướng. Ông đứng dậy, vào nhà trong mang ra chai rượu, rót một chén đưa cho tôi. Hai chúng tôi lần đầu tiên cùng nâng cốc chúc cho một sự nghiệp mới đang được bắt đầu.
Cùng Ban Giám đốc thăm Đài Phát thanh Thụy Điển
Bìa sách "Nhớ một ngày thấy một thời"
Xin được chủ trương của thành phố đã là một việc khó, bây giờ, phải cụ thể hóa chủ trương ấy ra thành các giải pháp, các bước đi, cách làm càng thấy khó hơn.
Tôi nhớ, hôm cùng ông Hòe lên làm việc với Đài Truyền hình Trung ương về việc này, ông Nguyễn Văn Hán, Tổng Giám đốc Đài có gợi ý về một cách đi đường vòng. Nghĩa là, bước đầu chúng tôi hãy tổ chức ra một nhóm cán bộ để làm hai việc: Một là thể nghiệm làm tin tức và chương trình; mọi việc về quay phim, in tráng phim nhựa 16 li, cung cấp thiết bị camera để ghi hình sẽ do Đài Trung ương hỗ trợ và phát sóng trong chương trình Thời sự của Đài Trung ương. Hai là, với sự giúp đỡ của Đài Trung ương, Hà Nội lên kế hoạch tuyển dụng và đào tạo cán bộ, phóng viên; kế hoạch từng bước trang bị kỹ thuật cho việc làm chương trình và phát sóng riêng bằng các thiết bị điện tử. Tôi nhắc lại với ông Hòe về ý kiến và sự nhiệt tình giúp đỡ của Đài Trung ương. Ông Hòe như nhớ ra câu chuyện cởi mở của ông Hán, vui hẳn lên vì đã có lối thoát. Ông bảo tôi, chúng ta phải gắng xong trước thời gian đó, vì ông cũng chỉ còn chưa đến 10 năm để làm việc cùng anh em.
Vào những ngày ấy, đêm nào tôi cũng hoặc cặm cụi tính toán, dự thảo các kế hoạch, hoặc lên nhà ông Hòe để trao đổi ý kiến chuẩn bị tờ trình lên thành phố. Dịp này, vợ tôi chuẩn bị sinh con lần thứ hai. Việc nhà, ngoài hai vợ chồng, không trông chờ vào ai được. Nhiều hôm, công việc dồn dập không biết làm việc gì trước, việc gì sau. Có hôm, cuốn vào công việc, tôi quên cả đi đón con gái đầu lòng ở nhà trẻ. Có lúc, bận quá, vợ tôi bực mình gắt lên: "Sao anh không mang chăn màn lên nhà ông Hòe mà ngủ cho tiện công tác!". May sao, đúng dịp vợ tôi sinh đôi hai thằng con trai thì bản thảo tờ trình cũng hoàn thành.
Đội ngũ Truyền hình Hà nội thuở ban đầu
Đó là thượng tuần tháng 7 năm 1977. Sau khi nhận được văn bản cụ thể của Đài, ông Nguyễn Bắc, lúc đó là Ủy viên Thư ký Ủy ban Nhân dân Thành phố, triệu tập Đài lên báo cáo trực tiếp. Tôi theo ông Hòe lên bảo vệ đề án làm truyền hình với Thành phố. Cuộc làm việc khá căng thẳng. Mọi chi tiết trong đề án đều phải được cụ thể hóa đến mức có thể hình dung ra được cách làm, bước đi. Ngồi trước mặt ông Nguyễn Bắc, nhiều lúc tôi tự nhận thấy lúng túng về công cuộc đi đường vòng mà mình sắp bước vào. Tự nhiên, mồ hôi thấm đẫm lưng áo, miệng khô rát, giọng nói lạc hẳn đi. Ông Bắc vốn là Giám đốc Sở Văn hóa, cơ quan chung cổng, chung sân với Đài Truyền thanh. Ông lại là người từng gặp gỡ, giảng bài, bình thơ với nhóm ca dao "Tiếng hát quê ta", trong đó có một số phóng viên của Đài như Bùi Kim và tôi, nên ông dễ gần gũi và cảm thông với anh em trẻ. Ông rót nước trà đưa cho tôi và khích lệ:
Được lời như cởi tấm lòng, tôi trình bày chi tiết về phương hướng nội dung mang bản sắc Hà Nội, về phương án tuyển chọn và đào tạo cán bộ theo mô hình truyền hình Thủ đô và kinh nghiệm tri thức hóa đội ngũ phóng viên mà chúng tôi đã làm. Về phương hướng trang bị thì hoàn toàn trông vào Đài Trung ương thông qua Trung tâm Nghe nhìn nhập khẩu thiết bị và đào tạo về kỹ thuật. Sau lần gặp và báo cáo với ông Nguyễn Bắc, tôi còn nhiều lần được Đài ủy nhiệm thuyết minh đề án với các chuyên viên Ủy ban và các cơ quan hữu quan, làm việc với Trung tâm Nghe nhìn, đặc biệt là được ông Trịnh Lý Thản, Phó Tổng Giám đốc Đài Trung ương, chỉ dẫn cho nhiều vấn đề về kỹ thuật truyền hình.
Đầu năm 1978, Đài Hà Nội nhận được quyết định 41/QĐ-UB của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Quyết định nêu rõ Đài có 3 chức năng: làm tờ báo nói và thể nghiệm làm báo hình; quản lý ngành truyền thanh trên địa bàn, và quản lý các doanh nghiệp của ngành.
Theo mô hình tổ chức mới, tôi được giao làm Trưởng ban Biên tập Kinh tế kiêm Tổ trưởng Tổ Biên tập Truyền hình. Đài chính thức đặt lên vai tôi công việc thể nghiệm làm truyền hình, sao cho ít nhất 10 năm phải ra được truyền hình hằng ngày!
Công việc đầu tiên là đi xin tiền mua sắm thiết bị. Để làm tin, chí ít cũng phải có vài ba chiếc máy quay phim 16 li, máy chiếu để xem lại phim, đèn quay phim lưu động, micro để phỏng vấn. Ngần ấy thứ cũng phải vài chục ngàn. Vào quãng đầu năm 1978, miền Nam chưa tiêu tiền Bắc, cũng chưa có hệ thống ngân hàng thống nhất, nên phải xin cấp tiền Giải phóng và là tiền mặt. Công văn xin cấp khoản kinh phí này, Đài đã trình Ủy ban mấy tuần rồi, vẫn chưa được hồi âm. Ông Hòe bảo tôi đi theo đến gặp Phó Chủ tịch Ngô Quốc Hạnh. Ông này phụ trách Tài chính - Thương nghiệp của Thành phố. Vào thời buổi Giá-Lương-Tiền, cán bộ như ông Hạnh họp suốt ngày, nhiều hôm đến 11, 12 giờ khuya. Tối hôm ấy, chúng tôi đến nhà riêng, nhưng ông đi vắng; để đến mai, ban ngày càng khó gặp hơn. Chúng tôi quyết chờ bằng được. Ngồi ở quán chè chén năm xu bên kia đường, uống nước hoài mà cánh cổng đối diện vẫn đóng im ỉm. Đến lúc cụ bà dọn quán rồi, mà người cần gặp vẫn chưa về. Chúng tôi đành đi bộ vỉa hè, ngắm trăng khuya...
Hơn 11 giờ, gặp ông Hạnh, được nghe đúng một câu an ủi:
Chúng tôi cũng không phải chờ lâu. Khoảng mươi ngày sau, Đài nhận thông báo được cấp 25.000 đồng tiền Giải phóng. Là tiền mặt nên biện pháp bảo vệ rất chặt chẽ. Thành phố giao Sở Công an cử một nhân viên an ninh cùng đi với cán bộ của Đài. Đó là trung úy Hoàng Phúc. Tôi và anh Phúc mỗi người được cấp một khẩu K54. Thành phố còn quy định cơ chế chi tiêu rất rõ ràng. Tiền được mang theo, đến Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phải gửi vào két của Đài thành phố, khi xuất tiền mặt, phải có lệnh của trưởng đoàn. Đoàn cán bộ đi, ngoài tôi và anh Phúc, còn có anh Nguyễn Đình Thu, Trưởng trạm Vật tư của Đài để thực hiện chức năng mua sắm. Mọi giao dịch mua sắm đều phải được Ban cải tạo tư bản, tư doanh quận, huyện sở tại xác nhận thành phần của chủ sở hữu (không phải là tư sản tẩu tán tài sản) và giá mua từng thiết bị thì mới được coi là hợp lệ khi quyết toán. Thành phố có một loạt công văn gửi các cơ quan hữu quan của thành phố Hồ Chí Minh đề nghị giúp đỡ. Đặc biệt, Sở Công an thành phố Hồ Chí Minh lúc đó có đồng chí Phó Giám đốc Cáp Xuân Diệm, vốn là Phó Giám đốc Công an Hà Nội, đã quá quen biết chúng tôi; đồng chí Huỳnh Văn Tiểng, Giám đốc Đài Truyền hình thành phố cũng từng là Phó Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, thường xuyên làm việc với chúng tôi. Còn ở Ban cải tạo thì ông Nguyên Có, nguyên là Cục trưởng Cục Công nghiệp I Hà Nội, cũng sẵn lòng giúp đỡ nên việc liên hệ với các ban cải tạo quận, huyện khá thuận lợi.
Chúng tôi đến Sài Gòn vào mùa mưa. Cả đoàn ăn ngủ nhờ bên Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố; hằng ngày sang Đài Truyền hình thành phố liên hệ và đi xem các thiết bị quay phim đang chào bán. Lần đầu tiên cảm nhận mùa mưa Sài Gòn: ào ào đến, rồi lặng lẽ tắt, không kịp mặc áo mưa, nhiều hôm ướt từ đầu đến chân. Cũng là lần đầu tiên biết đến cơm bo bo, canh toàn quốc, như một món cháo ám, quay đi rồi quay lại không thay đổi. Hôm nào nhân dịp gì đó, ăn tươi thì cũng chỉ thêm vài miếng thịt mỡ, với món canh bí đỏ mặn chát. Hơn một tháng trời mới xác định được một hai địa chỉ mua hàng, tôi điện thoại ra đề nghị cử anh Thu vào để thực hiện chức năng mua sắm.
Một buổi tối, muộn rồi, bỗng đồng chí Cáp Xuân Diệm gọi điện thoại đến Đài gặp tôi. Ông nói rất nhanh:
Tôi xin vài phút để trao đổi với anh em. Anh Phúc, anh Thu người băn khoăn, người cân nhắc. Thực sự, Hà Nội đã liên hệ và phối hợp trước với thành phố bạn là đã cảnh giác, giả định nhiều tình huống. Chúng tôi ở đây cũng có lực lượng vũ trang bảo vệ tại chỗ rồi. Vào giờ này mà chúng tôi có xe của Công an Thành phố đón đi sơ tán thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của mọi người xung quanh. Chúng tôi đồng tình xin đồng chí Cáp Xuân Diệm cho ở lại chung sức với lực lượng vũ trang tại chỗ nếu xảy ra sự cố. Vì không có nhiều thời gian nữa, ông Diệm đồng ý và dặn: “Nếu khi cần kíp, xe ứng cứu đến các đồng chí phải đi ngay nhé. Chúng tôi đã hứa với Hà Nội bảo vệ an toàn cho các đồng chí. Chúng ta phải phối hợp hành động đấy!”
Video "Nhớ một ngày để thấy một thời"
Đêm ấy, Đài thành phố vẫn an toàn. Được biết, bọn phản động có vũ trang đã bị ta phục kích tiêu diệt ngay từ Cầu Sài Gòn. Chuyến công tác của chúng tôi kéo dài 3 tháng. Đoàn đã mua 3 máy quay phim, 2 bộ máy chiếu phim, một số micro, đèn quay phim lưu động.
Đầu tháng 11, sau khi báo cáo với Đài Trung ương về dự định ra chương trình Truyền hình Hà Nội đầu tiên vào ngày đầu năm mới, chúng tôi bắt đầu làm chương trình. Nhân sự đầu tiên, ngoài tôi, có thêm anh Khiếu Quang Bảo, biên tập viên Ban Văn nghệ của Đài chuyển sang. Ngoài ra, có anh Lê Lực, công nhân nhà máy Điện cơ, là đội viên đội văn nghệ công nhân của Liên đoàn Lao động thành phố, đang cộng tác với chúng tôi làm chương trình truyền hình thử nghiệm. Với sự giúp đỡ tận tình của Ban Thời sự, Ban Văn nghệ, Phòng Quay phim, vào lúc 2 giờ chiều ngày 1/1/1979, chương trình TRUYỀN HÌNH HÀ NỘI đầu tiên ra mắt khán giả Thủ đô và cả nước, bắt đầu một chặng đường mới, tiến tới trở thành Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội sau này. Một ngày làm chúng tôi nhớ cả một thời, thời tuổi trẻ của những Lê Lực, Gia Thái, Mạnh Cường, Tuyết Nhung, Tiến Phú, Minh Bài..., của hơn 20 phóng viên, lứa đầu tiên đưa Truyền hình Hà Nội từ lịch phát hàng tháng, hàng tuần lên hàng ngày.
Chúng tôi, những phóng viên, cán bộ của Đài đã nghỉ hưu, thường gặp nhau vào dịp 14/10, kỷ niệm ngày thành lập Đài. Vào dịp ấy, tôi thường được các đồng nghiệp xúm quanh trò chuyện. Một câu hỏi cửa miệng của mọi người đối với tôi:
Một lớp đồng nghiệp trẻ hơn thì băn khoăn:
Các câu hỏi, tự nó đã có câu trả lời rồi. Nhưng dù sao, tôi cũng muốn giãi bày chút tâm tư của riêng mình. Tôi nghĩ, mỗi người đều có mục đích sống riêng, một giấc mơ riêng, một sự nghiệp riêng. Có người ý chí mãnh liệt, hành động kiệt xuất, có thể trở thành anh hùng. Có người táo bạo, sáng tạo nên nhiều giá trị cho đời sống, có thể thành những tỷ phú, đại gia chân chính. Những người như thế rất đáng tôn vinh. Tôi không thuộc mẫu người ấy.
Giấc mơ mà tôi bất ngờ gặp được chính là giấc mơ về một đài truyền hình, nơi có thể đưa thông tin nhanh nhạy, cung cấp các hiểu biết sâu rộng và là nơi có rất nhiều thú vui giải trí bổ ích. Không một người riêng lẻ nào có thể làm được như vậy. Tôi được đồng nghiệp cũ truyền lửa. Tôi nhóm lên ngọn lửa nhỏ, tạo niềm tin, thu hút sự chú ý của mọi người, thuyết phục người ra lệnh, tay nắm tay bạn bè cùng làm việc. Cuối cùng giấc mơ của tôi đã thành hiện thực. Với 10 năm, chúng ta đã có Truyền hình Hà Nội phát sóng hàng ngày. Ngày ấy, chúng ta đã cùng nhau vui như khi người cày có ruộng, vui được đem mồ hôi đổi lấy cuộc sống tươi đẹp hơn.
Khi mọi người đang tưng bừng hát mừng ngày vui mới ấy, là lúc tôi chuẩn bị bắt đầu những nhát cuốc đầu tiên trên một mảnh đất hoang vu, khô cằn khác, với niềm tin về cơ ngơi mới mà tôi và các đồng nghiệp sẽ tạo ra. Với tôi, một người nông phu, việc cày cuốc, gieo trồng luôn luôn là lẽ sống và niềm vui của cuộc đời.
Hồ Gươm, mùa thu 2018
(Đã in trong cuốn MỘT NGÀY VÀ MỘT THỜI do Nhà xuất bản Hồng Đức xuất bản và phát hành năm 2018)
ĐỌC PHẦN TIẾP THEO
Đỗ Gia Bính
Nhà báo, Doanh nhân, Người hát Karaoke