Khởi sự Công ty Nghe Nhìn Hà Nội với hai bàn tay trắng
Ai cũng sống dưới một bầu trời; hoặc là trời xanh, mây trắng, nắng vàng; hoặc là trời âm u, đất mịt mù khói sương… Hồi trẻ, có lần mơ mộng thấy một bầu trời nắng có màu vàng như màu mật ong, và gió thì chạy quanh năm trên mái tóc mềm như sợi tơ của tôi. Thế là ứng nghiệm ngay một chuyến đi kinh tế mới Lâm Đồng. Chuyến đi tưởng chừng có thể vùi sâu giấc mơ về một mái nhà Truyền hình Hà Nội; không ngờ, nó lại mở ra một trang mới: Một “Cao nguyên không yên tĩnh” mở đầu cho một hãng phim truyền hình với một cái tên có vẻ khác lạ - Công ty Nghe Nhìn Hà Nội. Và cũng thật bất ngờ, cái thế giới nghe nhìn ấy lại bỗng dưng trở thành một “bầu trời” của tôi! Cũng đành phải dấn thân thôi. Vốn tự có chỉ là một kịch bản, người ta đã làm thành phim, lúc đầu gọi là phim video; sau này cái loại phim “mì ăn liền” ấy không đứng được, nhưng nhiều đồng nghiệp đã nâng niu, chăm bẵm nó, biến nó trở thành một loại phim truyền hình nhiều tập.
Ngày tôi mới nhận quyết định bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty, bạn cũ ở Đài Hà Nội chúc mừng bằng một lời nguyền: Gieo rồi thì gặt đi, tự chọn đấy nhé! Ai bảo mình đã tự nghĩ ra cái kịch bản phim, tự đề xuất một dự thảo xin thành lập Công ty, tự tiến cử ban lãnh đạo, tự đi thương thảo vay sáu chục triệu cho họ làm vốn sản xuất phim. Họ đã đi được một bước đầu. Họ đã cố gắng rất nhiều nhưng không qua được bước thứ hai, ông hãy tiếp sức cho họ đi.
Những gì đang chờ tôi ở phía trước? Một cuộc bàn giao tẻ nhạt và lặng lẽ. Giám đốc cũ ốm nặng không có mặt, Phó Giám đốc phụ trách về hành chính, không có gì để bàn giao ngoài một con dấu tròn đã lâu không thấm mực, và một bà kế toán trưởng ôm khư khư một bọc giấy báo nhàu nhĩ; đó chính là tài sản duy nhất mà tôi được tiếp quản, một trăm triệu đồng Việt Nam. Ôi, bốn mươi tư con người đã từng đầu đội trời, chân đạp đất, giăng hàng trăm kilômét dây, lắp đặt hơn sáu vạn chiếc loa vào từng gia đình Hà Nội, một thời cất tiếng “đồng bào chú ý” vang dậy thành phố; một thời nhiều công ty ghen tỵ, không biết ở đâu ra mà dây lưỡng kim, dây ê-may, nhôm thỏi, loa Liên Xô ùn ùn trở về kho Hàng Dầu, kho Bách Khoa; bây giờ sạch bách chẳng còn gì mà kiểm đếm nữa! Từ ngày đổi mới, người Hà Nội sắm tivi màu, amply, loa stereo để nghe băng đĩa nhạc, không ai muốn giữ chiếc loa truyền thanh. Công ty cực chẳng đã phải bán dần vật tư dự trữ, lấy tiền trả lương công nhân. Bây giờ mọi thứ đều đã cạn.
Mấy hôm sau, nghe tin có Giám đốc mới, mấy anh em thương binh đến hỏi thăm. Tôi chưa biết phải nói gì với mọi người, nên nhờ cậu Bình an ủi anh em bình tĩnh chờ đợi. Mùa hè nóng bức, nhưng không phòng làm việc nào có chiếc máy điều hòa không khí; mấy chiếc quạt cũ, lâu ngày không ai chăm lo dầu mỡ nên vừa chạy vừa kêu nghe đau cả đầu. Tôi đứng ngồi không yên trong căn phòng ẩm thấp, vốn là một gian kho được dùng làm phòng Giám đốc. Phòng Giám đốc cũ và các phòng làm việc trên tầng hai, Đài đang trưng dụng để triển khai thiết bị truyền hình mới nhập về. Ban Giám đốc và các phòng ban của Đài trao cho tôi một tờ giấy, phó thác cả sinh mệnh Công ty và hơn bốn chục công nhân cho tôi, và thế là mọi người thở phào, coi như xong một cái “nợ”. Rất nhiều người tò mò thỉnh thoảng ghé qua, gọi là thăm hỏi đôi câu, thực ra họ chỉ muốn nhìn xem chúng tôi xoay sở ra sao, không một ai muốn cùng suy nghĩ, cùng tháo gỡ với chúng tôi.
Bí bách và bế tắc, nhưng không có đường lùi. Chúng tôi phải mở đường mà tiến, phải đi tới đã, rồi mới có thể nghĩ tiếp được. Tôi quyết định ngày mai sẽ xuất hành, tiến về phía Đông, về Quảng Ninh, nơi tôi có đồng nghiệp, nghe nói đang làm ăn tấn tới. Tôi gọi mấy anh em hội ý, chuẩn bị cho chuyến đi, giao cho Bình và Tuấn thuê xe, Trung kỹ thuật, Hòa Trưởng cửa hàng 39 cùng đi. Tôi được biết, Đài Quảng Ninh đang có nguồn hàng tivi đã qua sử dụng, và nhiều hàng tiêu dùng khác nữa. Túng thì phải tính thôi, không chờ đợi được nữa rồi!
Bất ngờ là Đài bạn rất nhiệt tình. Thời làm phóng viên Đài Hà Nội, tôi cũng thường hợp tác với anh em Quảng Ninh. Các anh Mai Phương, Trần Chiểu đang là cây bút khỏe của Quảng Ninh, từng biết tôi mang thư của Chủ tịch Hà Nội xuống gặp Chủ tịch Quảng Ninh xin được hỗ trợ camera để đoàn Hà Nội đi Viêng Chăn làm phim cho bạn Lào. Chuyến công cán ấy thành công, tôi có dịp cùng đoàn làm phim Hà Nội làm việc 3 tháng ở Lào để hoàn thành bộ phim tài liệu “Viêng Chăn mới”. Gọi là đoàn làm phim Hà Nội, thực ra Hà Nội chỉ có công tổ chức và nhân sự lo nội dung, còn camera thì Quảng Ninh hỗ trợ, đạo diễn thì mời Hãng phim Tài liệu, quay phim là người của VTV, phiên dịch là người của Sở Ngoại vụ. Chuyến công tác ấy thành công, để lại nhiều ấn tượng không chỉ đối với các bạn Lào, mà nhiều đồng nghiệp nước ta cũng ngạc nhiên trước chiến tích “tay không bắt giặc” của Đài Hà Nội.
Bia Vạn Lực "cứu nguy" cho Công ty Nghe Nhìn Hà Nội thuở ban đầu
Đoàn làm phim "Viêng Chăn mới"
Hôm nay, tôi trở lại Quảng Ninh với vai trò là một doanh nhân, các đồng nghiệp đều trầm trồ để ý, ai cũng vun vào, mong muốn cho sự hợp tác có kết quả. Chúng tôi đi xem kho TV cũ của Xí nghiệp Vật tư. Hàng trăm chiếc TV màu lớn nhỏ, bụi bặm, cũ nát, cũng có cái còn sáng sủa. Tôi hỏi thầm ông bạn: “Chắc các bố lại dọa nạt tôi chứ gì”. Bạn tôi gật đầu nói nhỏ: “Bình tĩnh!”. Rồi bạn tôi kéo tay ông Giám đốc Xí nghiệp đưa sang kho hàng tiếp theo. Kho hàng này xếp ngay ngắn, trông khả dĩ hơn. Từng thùng gỗ để hở, nhìn rõ từng chai bia Vạn Lực. “Sao các ông lại có cả bia?” Đấy là hàng nhập lậu, hải quan tỉnh tịch thu và được Ủy ban Nhân dân Tỉnh quyết định giao cho doanh nghiệp bán. Tôi nghĩ bụng: “Bia cũng được, miễn là hợp pháp và có lãi.” Hôm sau, hai lô hàng: 300 chiếc TV cũ và 16.000 chai bia Vạn Lực đã được lập hóa đơn và lên đường về Hà Nội. Nhưng chưa về đến nhà, thì Công an đã lập biên bản “Niêm phong kho chờ xử lý”. Quả này thì đắng rồi! Về đến công ty, tôi lập tức giở các quy định ra đối chiếu xem mình sai cái gì. Hàng được Ủy ban Tỉnh cho phép bán, chúng tôi mua có hóa đơn thuế, có thiếu sót chăng là công ty chưa đăng ký kinh doanh bia. Cái thời ấu trĩ ấy, kinh doanh thứ gì cũng phải đăng ký, không đăng ký mà đã buôn bán, theo luật, xử phạt hành chính, mức phạt 500.000 đồng! Nắm chắc luật lệ rồi, anh em chúng tôi đi làm vài vại bia hơi rồi về ngủ cho ngon, chờ sáng mai tiếp các đồng chí công an. Chắc họ nghĩ là vớ được quả dưa bở đây. Hãy đợi xem!
Quả tôi đoán không sai. Sáng hôm sau, tôi được tiếp 3 đồng chí, 1 trung tá và 2 đại úy. Cả công ty sốt xình xịch! Sau một hồi trà nước, đồng chí trung tá rào đón: “Xin đồng chí để chúng tôi làm việc với Kế toán trưởng, nắm cho hết vấn đề rồi chúng ta sẽ có kết luận.” Tôi nói chậm rãi: “Vâng, các đồng chí cứ tiến hành. Chị Toàn, Kế toán trưởng của chúng tôi sẽ tiếp đoàn.” Tôi mới về công ty, chưa biết tính nết chị Toàn ra sao, nhưng thấy chị ấy ít nói, tôi yêu cầu gì báo cáo nấy, không hay đưa chuyện, không thích nói leo. Tôi tin là bà này bình tĩnh chịu đựng thử thách được. Họ làm việc đâu dễ đến 3 buổi. Sau mỗi buổi làm việc, tôi đều dành thời gian tiếp đoàn một tuần trà đặc biệt với nước trà Thái xanh trong, sóng sánh, cắm tăm được. Hôm đầu, anh em khen trà ngon. Hôm sau, họ khen tôi sành chọn gu trà vùng Tân Cương, thơm và đượm; hôm thứ ba họ thắc mắc: “Hình như Giám đốc không nghỉ trưa hay sao?” Tôi nói như để thanh minh: “Tôi mới nhận công ty, việc nhiều, trưa hay tối mà chưa giải quyết xong thì cũng phải cố. Tôi lại bị cái dạ dày không ổn lắm nên không dám ăn uống tùy tiện, các đồng chí thông cảm nhé.” Thực ra trong thâm tâm tôi muốn họ có một “kỷ niệm” về chuyến làm việc với chúng tôi. Buổi thứ tư đoàn kết thúc công việc, tôi mời thêm đại diện Cục Thuế Hà Nội cùng chứng kiến. Buổi làm việc xem chừng khá nghiêm trọng. Ba đồng chí cán bộ Cục Cảnh sát Kinh tế cảnh phục đàng hoàng, sao mũ chỉnh tề, đúng giờ là có mặt. Vào họp, tôi giới thiệu đại diện Cục Thuế tới dự theo yêu cầu được giám sát hoạt động doanh nghiệp, tôi cũng không quên cảm ơn Cục Cảnh sát Kinh tế đã quan tâm kiểm tra công việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh, sau đó tôi mời đại diện Cục Cảnh sát Kinh tế cho ý kiến.
Làm việc với SONY Hong Kong
Công ty Nghe Nhìn Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba
Đồng chí Trưởng đoàn nói một hồi về việc kiểm tra chấp hành pháp luật trong kinh doanh, về các dấu hiệu vi phạm của Công ty khiến đoàn quan tâm, về thái độ nghiêm túc của Công ty trong quá trình làm việc. Đồng chí ấy nói xong, đến lượt hai chuyên viên, cũng mỗi người một vẻ, minh họa về tầm quan trọng của việc kinh doanh phải có đăng ký… Tôi cảm thấy chị Trưởng phòng của Cục Thuế Hà Nội có vẻ nóng ruột muốn có ý kiến nên khi câu chuyện của anh công an vừa dứt, tôi nói ngay: “Mời đồng chí đại diện Cục Thuế Hà Nội cho ý kiến.”
Đại diện Cục Thuế vào đề ngay: “Tôi đã đọc các biên bản làm việc và nghe các đồng chí phát biểu, tôi nhất trí về tầm quan trọng của việc chấp hành luật pháp trong kinh doanh, nhưng tôi không hiểu ngoài việc mua TV và bia Trung Quốc, Công ty Nghe Nhìn Hà Nội còn có vi phạm gì nữa không ạ?” Anh đại diện Cảnh sát nói rõ ràng: “Vâng, chỉ xung quanh vấn đề buôn hàng từ Quảng Ninh thôi.” Đại diện Cục Thuế tiếp lời: “Nghe sếp bên tôi cử tôi đi dự họp, tôi cứ nghĩ có việc quan trọng lắm, nghe nói Công ty của Đài Truyền hình mà đi buôn hàng lậu thì gay quá. Hóa ra không phải thế. Công ty này mua hàng lậu đã bị bắt và đã được Ủy ban Tỉnh cho phép bán, và họ mua có hóa đơn VAT, còn việc họ buôn bia mà chưa có đăng ký kinh doanh thì bên Quản lý Thị trường có phát hiện cũng chỉ phạt hành chính đến năm trăm nghìn là xong, sao lại để các đồng chí công an phải mất nhiều thì giờ như vậy.”
“Chắc là đồng chí chưa nghe hết đầu đuôi câu chuyện,” anh trung tá công an tiếp lời, “hôm ấy tôi nhận được tin báo có 2 xe tải lớn chở TV và bia Trung Quốc từ Quảng Ninh về, chúng tôi cho là có dấu hiệu khả nghi nên mới quyết định kiểm tra. Kiểm rồi thấy lạ, sao Công ty của Đài lại đi buôn bia, vì vậy chúng tôi mới yêu cầu niêm phong kho để chờ kết luận. Bây giờ sự việc đã rõ ràng rồi, tôi đề nghị chúng ta lập biên bản kết thúc công việc. Về phía Công ty, ngoài việc nộp phạt cho Quản lý Thị trường thì cũng nên rút kinh nghiệm, nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật rồi hãy triển khai công việc thì đỡ va vấp hơn.”
Tôi phát biểu cảm ơn Cơ quan An ninh và Cục Thuế Hà Nội đã giúp chúng tôi thận trọng hơn trong kinh doanh, tuy có phải đình trệ công việc hơn hai tuần, nhưng đến nay cũng đã kết thúc tốt đẹp. Tôi cũng thật lòng cảm ơn các cơ quan đã cảm thông cho khó khăn của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho chúng tôi sớm tiếp tục kinh doanh, tết nhất đến nơi rồi mà cán bộ, nhân viên chưa nhìn thấy đồng lương nào thì căng quá. Tôi nói Văn phòng Công ty chuẩn bị phong bì tiền ăn trưa và nói lời cảm ơn: "Xin cảm ơn các đồng chí nhiệt tình giúp đỡ, Công ty cũng không dám bày vẽ ăn uống lãng phí, gọi là có chút quà trưa, mong các đồng chí thông cảm."
Cuộc can thiệp của nhà chức trách vô tình lại khiến việc kinh doanh của chúng tôi lời lớn; hơn hai tuần bị niêm phong kho hàng, không những hàng không bị ế mà còn được giá hơn. Bia Vạn Lực gần Tết ngày càng khan hiếm, mỗi chai đẩy lên hai, ba giá... 16.000 chai cũng đem lại cái tết gọi là ấm lòng cho mỗi người.
Sau Tết, các cửa hàng tiếp tục chào bán TV, trong khi tôi cùng Bộ phận Kỹ thuật lập dự án nhập thiết bị sản xuất phim. Với dự tính sản xuất mỗi năm 4 bộ phim dài tập và sáu chương trình ca nhạc, chúng tôi cần khoảng ba trăm ngàn đô la Mỹ để nhập thiết bị ghi và dựng hình, bao gồm cả xe chở đoàn làm phim. Ngoài thiết bị cho chương trình truyền hình, Công ty còn phải lo trang bị một dây chuyền NTSC chuyên dụng để chuyên làm chương trình ca nhạc phát hành trên thị trường. Trong thời gian công tác chuẩn bị ra chương trình truyền hình của Đài, tôi có dịp quen biết mấy cán bộ phụ trách kỹ thuật của VTV. Được biết chúng tôi chuẩn bị làm dự án sản xuất phim truyền hình, đồng chí Trịnh Lý Thản, Phó Tổng Giám đốc Đài Trung ương nhiệt tình giúp đỡ, chỉ bảo từng chi tiết nhỏ. Nhờ vậy đơn hàng sớm được lập và liên hệ ngay với đại diện Hãng SONY ở Hồng Kông, vấn đề đầu tiên là nan giải nhất. Lấy đâu ra hơn ba trăm ngàn đô la Mỹ? Dĩ nhiên là phải vay ngân hàng, nhưng Công ty không có gì thế chấp. Mấy trăm mét vuông nhà xưởng phần lớn làm trên đất công chưa có sổ đỏ, cũng chỉ là nhà tạm, không đáng giá! Tôi nghĩ đến mối quan hệ với Ngân hàng hồi tôi giúp họ tuyên truyền hội chợ vật tư chậm luân chuyển. Hồi đó ngoài việc góp phần vào việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, tôi còn cùng các anh Trịnh Thanh và Trần Lợi bên Xưởng Phim và Nhiếp ảnh Hà Nội quay một bộ phim tư liệu theo sự chỉ đạo của ông Hòe, lúc bấy giờ đang làm Giám đốc Sở Thông tin. Chúng tôi cùng nhau làm việc liên tục với Ngân hàng nên có mối liên hệ khá mật thiết với đồng chí Giám đốc Ngân hàng Thành phố đến Giám đốc các chi nhánh Ngân hàng quận huyện. Thời trước, ngoài Ngân hàng Ngoại thương, còn lại các ngân hàng đều theo sự chỉ đạo của Ngân hàng Trung ương, đến Thành phố, rồi quận, huyện, chưa có hệ thống ngân hàng chuyên doanh như bây giờ. Tôi luôn luôn được mời dự họp và tham khảo ý kiến về tuyên truyền hàng tuần với Ban Giám đốc Ngân hàng Thành phố. Bây giờ, khi Ngân hàng đã đổi mới về tổ chức, các lãnh đạo cũ đã thuyên chuyển lên cơ quan Trung ương hoặc Ngân hàng chuyên ngành. Tôi chỉ còn quen biết với anh Huyến, Phó Giám đốc Ngân hàng Công thương Thành phố. Anh Huyến đã giúp tôi làm đầu mối thảo luận và tìm giải pháp vay ngoại tệ. Trước đó hai năm, cũng nhờ mối quan hệ này mà tôi giúp Công ty Nghe Nhìn vay được 60 triệu đồng để sản xuất bộ phim "Cao nguyên không yên tĩnh." Lần này món vay lớn, lại là ngoại tệ nên khó hơn. Ngoài mối quan hệ quen biết cũ, thủ tục hành chính dù có đơn giản nhất cũng phải có sự xác nhận và đề nghị của cơ quan chủ quản. Tôi đã báo cáo với Đài và đề nghị anh Hải giúp. Anh Hải rất phân vân làm sao Công ty có thể có ngoại tệ để trả họ. Tôi giải thích các nguồn thu từ quảng cáo, từ tài trợ, từ bán băng đĩa nhạc... cũng phải năm lần bảy lượt anh Hải mới ký văn bản xác nhận. Rồi mọi việc cũng êm xuôi. Tôi đi Hong Kong ký thỏa thuận với SONY. Tháng 6 năm 1994 chuyến hàng đầu tiên về Công ty.
Mở ra một nghề mới: nghề làm phim truyền hình thật không đơn giản! Trang bị kỹ thuật với đơn hàng chúng tôi nhập cơ bản là đủ. Không những có thể sản xuất 100 tập phim mỗi năm, mà còn có thể làm dịch vụ kỹ thuật như dựng phim, lồng tiếng, sản xuất băng đĩa nhạc... Nhưng để làm được những việc như thế, phải có một đội ngũ sáng tác, biên tập, kỹ thuật và phải có một bộ máy điều hành đủ tốt. Người ở đâu ra? Nhìn vào bộ máy lãnh đạo, nhiều lắm cũng chỉ đủ điều hành một công ty nhỏ, sản xuất thủ công; đã thế, người nào cũng thích một tý quyền hành, gọi là “lãnh đạo”! Một lần, họp lãnh đạo Công ty, có vị hỏi tôi: “Vậy đồng chí Giám đốc, cho chúng tôi quyền gì? Chúng tôi được ký duyệt chi đến bao nhiêu tiền? Chả lẽ, mỗi lần tiếp khách lại phải xin Giám đốc duyệt chi cho một khoản sao?” Mối bận tâm của họ chỉ là mấy chuyện vụn vặt hàng ngày như vậy; còn Công ty đang đi đến đâu, đang vượt thử thách nào, đời sống anh chị em nhân viên ra sao, thì hình như đó là việc của Giám đốc, hoặc của cấp trên nào đó!
Mỗi lần nghĩ lại những ngày đầu làm Giám đốc Công ty này, tôi tưởng như đang đứng trước một núi công việc, việc nào cũng khó, việc nào cũng không có lối thoát. “Quân sư quạt mo” thì nhiều, nhưng người tâm huyết, người có tầm nhìn xa thì phải đốt đuốc cả ngày may ra mới thấy một người mách nước. Tôi tìm đến bè bạn bên Hãng Phim Truyện, bên Đài Truyền Hình Việt Nam; nghe anh em góp ý kiến rồi tự mình suy nghĩ, cân nhắc. Hãng Phim Truyện đang hồi ít việc, tôi mạo muội đánh tiếng mời một vài vị có tên tuổi cộng tác, không ngờ, được cả một ê kíp: nhà biên kịch Lê Phương, đạo diễn Trần Phương, nhà quay phim Trần Trung Nhàn… Kéo theo các đàn anh ấy là cả một đội ngũ làm phim mà dù có bao nhiêu tiền của cũng không thể trong một thời gian ngắn có thể tập hợp được. Đội ngũ ấy sẵn nhiệt tình, nói là làm ngay. Cả kho kịch bản đã sẵn sàng: phim 1 tập thì có “Với anh, chiến tranh chưa kết thúc” của Khải Hưng, “Chiều không nhạt nắng” của Lê Phương, “Sông Hồng reo” của Nguyễn Bắc và Huy Bảo; phim nhiều tập cũng bắt đầu có “Con sẽ là cô chủ” của Hà Sơn, rồi “Sống mãi với Thủ đô”, “Ngã ba thời gian” của Lê Phương… Nghe tên cả một chùm kịch bản cũng đã thấy sướng tai. Chỉ có việc đọc để quyết định đưa vào sản xuất đã không đủ thời gian rồi. Tôi mời anh Lê Phương về làm cố vấn, chuyên đọc và chọn kịch bản để chúng tôi chuẩn bị sản xuất. Công ty lần lượt cho ra đời: Trung tâm Kỹ thuật, Trung tâm Quảng cáo, bây giờ đến Trung tâm Sản xuất Phim. Không ban bệ cồng kềnh nhưng cũng đủ người lo công việc. Lúc đầu có anh Lê Phương, Huy Bảo, sau thêm đạo diễn Trần Phương, quay phim Trần Trung Nhàn, chủ nhiệm Dương… Sau này, công việc mở mang, đội ngũ biên kịch thêm Bùi Duy Khánh, Trần Phương Thủy, quay phim Lê Quang Hưng. Có lần, chúng tôi đang họp thì chị Hồng Ngát, nguyên Giám đốc Hãng Phim Truyện Việt Nam, đến chơi. Chị reo lên: “Ôi cả một xưởng phim đây rồi còn gì!” Tôi khoe thêm: “Còn cả một Trung tâm Băng đĩa nhạc nữa, với nhà sản xuất biệt danh Gã Đầu Bạc, cùng đạo diễn Phạm Việt Thanh và một đội ngũ phát hành từ Hàng Dầu, đến Hàng Bè cho đến cả Chợ Trời, tỏa đi khắp trong Nam, ngoài Bắc."
Trung tâm Kỹ thuật quản cả Phòng Bá âm cũ của Đài làm cơ sở dựng phim, lồng tiếng với các thiết bị tiền kỳ: camera, đèn chiếu sáng, ray, boom, dolly… có cả chiếc xe Toyota 9 chỗ, chuyên vận chuyển thiết bị quay phim. Ở đây có thể nói là quanh năm sáng đèn, tháng 30 ngày kín việc, rất nhiều hôm phải làm cả ban đêm.
Trung tâm Băng đĩa nhạc Hoa Sữa một thời nổi như sóng cồn, cũng là do một cơ may hiếm có. Một hôm, tôi đang làm việc ở Công ty thì có một vị khách chưa quen biết tìm gặp. Đó là anh Sơn mà tôi vừa giới thiệu biệt danh Gã Đầu Bạc. Anh tự giới thiệu là người chuyên lo sản xuất băng nhạc ở Dihavina, muốn về cùng làm việc với Công ty. Tôi nghe anh tự kể đã thấy thích thú. Anh em cùng nhau bàn ngay vào công việc. Một mặt bố trí mặt bằng, điều thêm nhân sự giúp anh triển khai hoạt động; một mặt bàn với anh việc nhập thiết bị sản xuất băng đĩa nhạc. Phim truyền hình thì sản xuất theo hệ PAL; còn băng nhạc thì cả camera lẫn thiết bị dựng hình và âm thanh đều dùng hệ NTSC. Chúng tôi nhất trí xây dựng một bộ phận kỹ thuật có đủ nhân sự và thiết bị tiên tiến nhất lúc đó, để cho ra lò những sản phẩm nghe nhìn về âm nhạc trong trẻo và sâu lắng nhất có thể; dĩ nhiên chúng tôi mong có những mùa thu hoạch hài lòng nhất cho đội ngũ anh em Trung tâm Hoa Sữa cả về chất lượng nghệ thuật và hiệu quả kinh doanh.
Chúng tôi chuẩn bị mở đầu bằng Đêm nhạc Văn Cao, nhân kỷ niệm ngày giỗ hết của nhạc sĩ. Chương trình có sự phối hợp tổ chức biểu diễn của Nhà hát Ca nhạc Nhẹ do nghệ sĩ Trần Bình đạo diễn; Trung tâm Băng nhạc Hoa Sữa của Công ty Nghe Nhìn Hà Nội và Hãng Phim Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác ghi và dựng hình trực tiếp từ hai đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Với các tác phẩm chọn lọc của nhạc sĩ Văn Cao được các nghệ sĩ dàn dựng một cách trân trọng, nhóm nghệ sĩ thể hiện lại trên băng hình những hình ảnh xúc động của nhạc sĩ với đôi mắt chăm chú nhìn từ màn ảnh xuống, với lời ca tha thiết của Thanh Lam, Mỹ Linh, Thanh Thúy; từ Thiên Thai, Suối Mơ, Đàn Chim Việt, đến Trường ca Sông Lô. Cảm động nhất là Tốp ca Mùa Xuân Đầu Tiên; có lẽ, đây là lần đầu tiên công diễn bài hát ấy trên sân khấu Thủ đô, một bài hát ra đời từ sau chiến thắng vĩ đại mùa xuân 1975 mà do những rào cản của tư duy lạc hậu, phải đến hơn 20 năm sau mới được công khai trình bày trên sân khấu lớn của Thủ đô.
Đây là lần đầu tiên Công ty Nghe Nhìn Hà Nội, với sự hợp tác của Hãng Phim Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, đã chào khán giả cả nước bằng video “Đêm nhạc Văn Cao”. Đạo diễn Phạm Việt Thanh, quay phim Đức Việt và nhóm biên tập, dựng phim, thiết kế sản phẩm… cũng lần đầu tiên cùng nhau làm ra một chương trình ca nhạc ghi hình từ sân khấu và dàn dựng hiệu quả, thu hút được khán giả quan tâm đến sản phẩm nghe nhìn với thương hiệu Trung tâm Băng đĩa nhạc Hoa Sữa. Từ đây, khán giả lần lượt đón nhận Gala 98, Gala 2000, phim ca nhạc Trăng Tỏ Thềm Lan với các giọng ca gạo cội như Quách Thị Hồ, Hoa Tâm đã sớm lưu lại các giọng ca vàng trước khi hát văn được UNESCO công nhận là sản phẩm văn hóa của nhân loại. Tại đây, cũng đã từng lập kỷ lục băng đĩa nhạc phát hành lớn nhất cả nước: 12.000 băng và 3.000 đĩa phát hành chính thức chương trình Xuân Hinh 2000, trong khi băng đĩa lậu gấp gần 5 lần như vậy. Đã có một thời từ Hàng Dầu, Hàng Bè (là đại bản doanh của Trung tâm Hoa Sữa) đến khắp phố phường, làng quê đâu đâu cũng lần đầu tiên nghe giọng Xuân Hinh diễn hài.
Đĩa nhạc Gala 2000 của Công ty Nghe nhìn Hà Nội
Mùa xuân đầu tiên của Nhạc sĩ Văn Cao
Cũng vào thời ấy, tức là khoảng dăm năm cuối thế kỷ 20, cùng thời với phim truyền hình nhiều tập của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), cũng có phim truyền hình nhiều tập của Nghe Nhìn Hà Nội. Những tựa phim ghi dấu ấn như Sông Hồng Reo, Sống Mãi Với Thủ Đô, Ngã Ba Thời Gian, Con Sẽ Là Cô Chủ, Giọt Nước Mắt Giữa Hai Thế Kỷ… lần lượt xuất hiện trên sóng của Đài Truyền hình Hà Nội và của nhiều đài địa phương khác. Đặc biệt, phim Sống Mãi Với Thủ Đô được Thành ủy, Ủy ban Thành phố rất quan tâm. Lúc khởi quay, đồng chí Trần Văn Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, đã đến thăm và úy lạo đoàn làm phim. Với kinh phí không nhiều nhưng phim được cả nước quan tâm; Bộ Quốc phòng ra lệnh huy động cho đoàn phim sử dụng hai xe tăng, cung cấp toàn bộ vũ khí và quả nổ trong các trường đoạn có cảnh chiến đấu trong phim; Sở Công nghiệp cho mượn toàn bộ mặt bằng Nhà máy Da Thụy Khuê, Xí nghiệp Giày Da để tạo chiến lũy Hà Nội… Khi phim hoàn thành, đồng chí Hoàng Văn Nghiên, Chủ tịch Thành phố, đã đến dự và khích lệ anh em nghệ sĩ làm nhiều phim hơn nữa về thủ đô anh hùng của chúng ta. Phim hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 50 năm toàn quốc kháng chiến chống Pháp, được phát sóng trên Đài Hà Nội. Đây là phim được các đài phát lại nhiều nhất trong các phim Công ty thực hiện vào thời gian ấy.
Thăm Tòa Thị chính Stockholm, Thụy Điển
Nghe Nhìn Hà Nội trở thành cầu nối giữa Đài Hà Nội với nhiều đài địa phương khác, với chương trình phim nhiều tập tự sản xuất và phim nước ngoài theo hợp đồng tài trợ. Chương trình ca nhạc được nhiều người ưa thích, chương trình khoa giáo “Thường Thức Trong Gia Đình” phát sóng hàng tuần trên Đài Hà Nội và trao đổi với một số đài địa phương khác đã được một số hãng nước ngoài quan tâm. Electrolux và Janssen Silac, mỗi hãng tài trợ cho chương trình này hai năm. Electrolux đã mời đại diện Nghe Nhìn và Đài Hà Nội dự cuộc tọa đàm với một số đài khu vực châu Á tại Thụy Điển (trụ sở của Hãng) để mở rộng hình thức phổ biến kiến thức và kinh nghiệm sử dụng tủ lạnh, máy giặt, đồ dùng gia đình thiết thực mang lại lợi ích cho khán giả. Chương trình này đã mở ra một thời kỳ huy động nguồn tài trợ khá phong phú cho các đài địa phương, và đem lại cho Công ty một nguồn kinh phí (có cả ngoại tệ) bù đắp một phần quan trọng chi phí đầu tư thiết bị nghe nhìn nhập ngoại.
Bộ mặt của một hãng phim và sản phẩm của Công ty đã thu hút nhiều khách hàng quảng cáo. Trung tâm Quảng cáo dần tấp nập khách lui tới, từ các hợp đồng đặt chỗ quảng cáo với lợi thế là Công ty của Đài Hà Nội, đến hợp đồng tài trợ chương trình, hợp đồng tài trợ bằng phim nước ngoài. Đầu tiên là phim Người Mẫu của Hàn Quốc, phát sóng trên Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh.
Những hợp đồng quảng cáo này đã nhanh chóng tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, đem lại đời sống tốt hơn cho anh chị em trong Công ty. Tôi và anh em lãnh đạo Công ty bắt đầu nghĩ đến mở mang cơ ngơi nhà xưởng, cũng vào lúc Thành phố có chủ trương thu hồi diện tích của Công ty ở 47 Hàng Dầu để Sở Văn hóa cải tạo lại nơi làm việc khang trang, xứng với vị trí của thủ đô. Thu hồi diện tích làm việc của Công ty thì Công ty làm việc ở đâu, trong khi ngôi nhà 26 Hàng Dầu, trụ sở cũ của Đài, Thành phố cũng dự định thu hồi để giao cho Sở Ngoại vụ. Lại nhớ, có lần ông Giám đốc Hải đã úp mở chuyện giao cho Công ty một phần nhà 26 Hàng Dầu làm trụ sở làm việc, phần còn lại Đài làm Nhà khách để đón tiếp các đài bạn và khách của Đài đến làm việc có nơi ăn ở đàng hoàng, mà Đài cũng có thêm thu nhập; thậm chí Đài đã bố trí cán bộ trực đón khách, chuẩn bị mua sắm đồ dùng, sửa sang nhà cửa. Thấy anh em cán bộ được phân công rậm rịch chuẩn bị cả tháng, nhưng mãi chẳng thấy có khách nào, rồi tự nhiên thấy rút êm. Những ngày tháng ấy cũng nước sôi, lửa bỏng lắm. Báo cáo với Đài, thì Đài bảo cứ yên chí, đâu có đó. Báo cáo Thành phố thì Thành phố nói đã có chủ trương thu hồi, các đồng chí chuẩn bị thực hiện đến đâu rồi; mặt khác, Sở Văn hóa thúc giục ráo riết, đòi Công ty bàn giao nhà xưởng để Sở còn giải phóng mặt bằng, khởi công cho kịp tiến độ; thậm chí hôm Thành phố triệu tập họp để giải quyết thu hồi nhà xưởng của Công ty, Thành phố có triệu đại diện của Đài nhưng cũng không dự.
Nghĩ lại hôm ông Hải giao nhiệm vụ cho mình, sao mà ông ấy hứa hẹn nhiều thế. Nào là Đài mong muốn đồng chí về làm Giám đốc để phụ trách một cơ sở sản xuất các chương trình văn nghệ, không những mang lại nguồn thu nhập cho Công ty mà còn làm hoành tráng thêm cho bộ mặt chương trình của Đài; nào là, Đài Thủ đô với sứ mệnh làm cơ quan truyền thông đa phương tiện, hướng tới một tập đoàn báo chí tích hợp các thể loại báo nói, báo hình, báo điện tử, lại cả báo in nữa, thiếu làm sao được sản phẩm nghe nhìn. Nói thì hay ho như vậy, nhưng bây giờ, tôi có cảm giác rõ rệt là mình đang bị bỏ rơi. Như một đứa trẻ bị ném xuống sông, muốn vùng vẫy thế nào để sống được thì vùng vẫy. Thực sự chúng tôi bị đẩy vào chân tường, nhất là khi nghe chủ tọa cuộc họp của Thành phố nêu ra câu hỏi: “Đề nghị đồng chí Giám đốc Công ty Nghe Nhìn cho biết căn cứ nào mà đồng chí nói rằng phần nhà xưởng của Công ty ở 47 Hàng Dầu là thuộc quyền sử dụng của Công ty?” thì cả người tôi như chiếc lò xo bật dậy. Không hiểu sao, vào giây phút nóng bỏng ấy, tôi lại có thể đứng lên một cách chậm rãi, phát biểu thưa gửi một cách ôn tồn như vậy. Một phản ứng tức thời, tự tôi cũng thấy bất ngờ!
Câu hỏi của tôi nghe có vẻ ngô nghê, hơi có phần xấc nữa, nhưng nó thật đã cứu cho Công ty chúng tôi một bàn thua trông thấy!
Câu hỏi và câu trả lời đều đơn giản, dễ hiểu, sao lâu nay người ta cứ làm khó cho nhau nhỉ? Cái trụ sở 26 Hàng Dầu mà chúng tôi chính thức được cấp, có sổ đỏ hẳn hoi, lại còn được kèm 500 triệu đồng để Công ty sửa sang cho phù hợp nơi làm việc mới, nó cũng đơn giản như vậy thôi.
Câu chuyện không đơn giản, nhất là bài toán nhân sự. Ngay từ ngày đầu nhận trách nhiệm về phụ trách Công ty, tôi đã nhận ra việc thành bại chủ yếu ở con người. Tôi lục tìm danh sách những người cũ của Công ty và tìm hiểu, rồi ướm hỏi từng người. Trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt từng đơn vị. Người tôi định chọn đầu tiên là Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật. Cậu này tháo vát, làm việc có trách nhiệm, trình độ đại học lĩnh vực kỹ thuật viễn thông, tính tình dễ hòa nhập với mọi người. Ướm thử thì cậu ấy chỉ nhận làm tạm thôi, nguyện vọng lâu dài muốn chuyển về Đài hợp chuyên môn hơn. Người thứ hai còn trẻ, mới về Công ty nhưng học đại học ở nước ngoài, bắt tay vào kỹ thuật điện tử, thạo việc nhanh, hăng hái, được nhiều người mến; cô gái này cũng cảm thấy vị trí làm việc thấp hơn cô ấy mong muốn, nên khi tìm được học bổng thạc sĩ ở nước ngoài là cô ấy xin đi học ngay. Có người muốn đi, nhưng cũng nhiều người muốn đến. Có người muốn tôi nhận làm đệ tử, nhưng tôi muốn mọi người làm việc bên tôi đều là anh em thân tình, không có bè cánh lợi ích riêng nào, cũng không định kiến với người nào. Có người, Giám đốc cũ đã ghi tên cho nghỉ việc theo diện "176", tôi vẫn xếp vào diện bồi dưỡng làm Giám đốc Trung tâm Quảng cáo. Các trưởng cửa hàng thì giữ nguyên như cũ vì mọi người đều tự đầu tư, tự chịu lỗ lãi, và đóng góp nghĩa vụ thuê mặt bằng, thuế, phí cho Công ty. Riêng các vị trí Phó Giám đốc và người sẽ thay tôi sau này thì quá khó. Hai vị phó cũ thì một vị quá yếu về năng lực, một vị quen làm chuyên môn, không hợp với vị trí kinh doanh. Tôi gợi ý cậu Bình, nhưng cậu ấy từ chối ngay vì không đủ khả năng đảm nhận; gợi ý mãi, cậu ấy hứa sẽ giới thiệu người khác thay thế. Thôi đành chờ vậy. Chờ khi vào việc, trăm hoa đua nở, mình sẽ chọn được nụ đẹp, hoa thơm. Trong khó khăn, người ta sẽ nảy ra sáng kiến; hoặc là bền lòng vượt khó, hoặc là góp mưu giỏi, kế hay.
Tòa nhà 47 Hàng Dầu
Gác 2 Tòa nhà 26 Hàng Dầu
Đón bạn Truyền hình Hà Nội
Thấm thoắt đã 10 năm. Vào dịp Công ty kỷ niệm ngày thành lập, Nhà nước trao cho Công ty Huân chương Lao động hạng 3. Chặng đường gian nan đã qua, vừa tái cấu trúc, chuyển từ nghề làm truyền thanh sang Nghe Nhìn với lao động từ thủ công sang tự động, từ tư duy bắt chước sang tư duy sáng tạo, đội ngũ cán bộ phần lớn trẻ, có trình độ đại học. Đã có những tín hiệu vui; công việc bận quanh năm, phòng lồng tiếng, phòng dựng phim đêm đêm sáng đèn. Đồng nghiệp đã nhắc đến những cái tên đáng nhớ: Bàn tay vàng dựng phim Quỳnh Dung, kỹ xảo Thanh Nõn. Bên các cây cao bóng cả Lê Phương, Trần Trung Nhàn... đã thoáng thấy biên kịch Duy Khánh, Phương Thủy, quay phim Quang Hưng, những mầm non đang nhú... Chúng tôi cũng trải qua nhiều liên hoan truyền hình được nhận huy chương vàng, bạc về phim ca nhạc như: Trăng tỏ thềm lan, phim Con sẽ là cô chủ, hay sân khấu chèo Lưu Bình Dương Lễ... Mười năm, từ một Công ty chưa có tài sản cố định, nay ngôi nhà 26 Hàng Dầu chính thức trở thành trụ sở mới, vừa được cải tạo lại khang trang, bề thế ngay bên Bờ Hồ Gươm. Ở đây, có những camera, bàn dựng, bàn kỹ xảo, và đặc biệt lần đầu tiên một máy tính Mỹ: “Mac”, chuyên để thiết kế các hình ảnh, tạo các kỹ xảo phim, hay sản phẩm quảng cáo. Hồi ấy, Công ty nhập khẩu chiếc máy tính duy nhất này là Công ty của nhà doanh nghiệp được thành lập từ trong kháng chiến chống Pháp, rất tự hào nhập đơn hàng máy tính Mỹ duy nhất đầu tiên cho Nghe Nhìn Hà Nội. Với máy tính này và nhóm kỹ thuật viên từ Thái Lan giúp đào tạo, chúng tôi đã tự sản xuất hình hiệu và tạo ra bao nhiêu dấu ấn trên các sản phẩm Nghe Nhìn.
Hôm lễ kỷ niệm, đón khách tại Bắc Bộ Phủ xong, anh em chúng tôi về Hàng Dầu hàn huyên cả tối. Mọi người đều vui, nhưng tôi bỗng bâng khuâng, vui buồn lẫn lộn, đúng với trạng thái của Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ. Cái tên phim này nhà biên kịch Lê Phương dành để kể về một doanh nghiệp thai nghén cuộc đổi mới trước khi bước sang thế kỷ 21, nhưng cũng chính là tâm trạng của chúng tôi đang đứng trước ngã ba đường. Nửa còn việc cũ chưa xong, nửa lo việc mới chưa trông thấy đường. Ước mong của tôi là xây một ngôi nhà chung cho anh em trên mảnh đất ở Nhân Chính đã được Thành phố cấp đất chung với dự án nhà để xe của Đài chưa kịp triển khai đã bị xóa sổ. Trước khi về hưu, ông Giám đốc Đài đã tự ý trả lại 3000 mét vuông đất cho Thành phố. Tại cuộc họp liên tịch với Đảng ủy Đài, tôi với tư cách là Giám đốc Công ty kiêm Phó Bí thư Đảng ủy Đài đã đề nghị Đài xin Thành phố chuyển mục đích sử dụng mảnh đất ấy sang làm nhà ở cho anh em trong Đài, nhưng ông Hải sợ phiền vì khi đó ông đã nghỉ hưu rồi, lỡ anh em làm nhà lại có tiêu cực gì đó, mang tiếng đến bản thân, nên ông nhất định không đồng ý. Đã thế, ông làm văn bản và tự ý ký trả lại đất cho Thành phố luôn, không một lời thông báo cho Công ty biết, mặc dù Thành phố cấp mảnh đất này theo đề nghị làm nhà để xe của Đài và xưởng cơ khí của Công ty Truyền thanh trước đó. Khi chúng tôi biết tin này thì ông Hải đã nghỉ hưu, mảnh đất đã sang tay chủ mới rồi! Mong mỏi có một chút quan tâm đến đời sống của anh chị em không thành, tôi cứ áy náy mãi. Nhưng lúc đó, khơi ra việc kiện cáo để xin lại mảnh đất cũ, chưa chắc đã thành, mà lại mang tiếng là cục bộ. Cái câu "ngậm bồ hòn làm ngọt", bây giờ tôi mới được trải nghiệm, đúng là càng ngậm càng thấy “ngọt”!
Video "Thăm miền Trung nước Mỹ"
Nghĩ cho cùng, âu cũng là lúc tôi chuẩn bị hạ cánh chăng? Chúng tôi vừa kỷ niệm 10 năm thành lập Nghe Nhìn Hà Nội, đúng lúc em Thu Hồng thiết kế chuyến đi Mỹ. Ta và Mỹ vừa thiết lập quan hệ ngoại giao được 4 năm, hai bên muốn mở rộng quan hệ ngoại giao nhân dân. Mỹ mời ta cử đoàn của Hội Việt - Mỹ vừa được thành lập sang thăm miền Trung nước Mỹ, nơi có vùng thổ dân da đỏ, lại có cơ sở sản xuất máy bay Boeing, tầm cỡ lớn nhất nhì thế giới. Dịp may hiếm có. Hai vợ chồng chúng tôi đăng ký ngay. Cùng chuyến đi này còn có ông Hải, Giám đốc Đài mới nghỉ hưu, nhà báo Phạm Khắc Lãm, nguyên Tổng Biên tập VTV, vợ chồng nhà báo Vân Anh, Hãng phim Hoạt hình, nhà báo Phạm Đông… Đời người, có lúc thăng trầm, có khi buồn vui, nhưng cơ hội để được thấy tận mắt những chuyện kỳ lạ, lý thú nhất thì không phải lúc nào cũng có dịp. Chưa đầy nửa tháng, chúng tôi được các bạn Mỹ chào đón nồng nhiệt nhất: Thăm và dự phiên họp thường kỳ của Quốc hội bang Nebraska, sau đó Thống đốc bang chào mừng và tặng danh hiệu công dân danh dự cho tất cả thành viên trong đoàn; thăm bảo tàng người da đỏ, thăm Đài truyền hình NBC, thăm kinh đô điện ảnh Hollywood…
Nước Mỹ, mới đây còn là kẻ thù, hôm nay chính quyền và nhân dân đón tiếp mình thân mật, mời mình đến chơi, ăn ở với người dân, bất ngờ hơn là mới có một phần tư thế kỷ, đến nay hai nước đã trở thành đối tác chiến lược, thay đổi hẳn vị thế chính trị, kinh tế của nước ta đối với thế giới. Những gì con cháu chúng ta và người Mỹ sẽ làm cho hai nước và cho nhân loại sau này chúng ta chưa lường hết được, nhưng cả hai dân tộc đã có bài học xương máu của chiến tranh hẳn sẽ trân trọng hòa bình, hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau.
Thăm Hollywood bất giác tôi lại nghĩ đến cái ngôi nhà chung nhỏ bé của Nghe Nhìn Hà Nội, vẫn mong muốn làm cái gì đó ra tấm ra món cho ước vọng cuối cùng của đời người, chỉ hiềm nỗi thời gian vật chất còn lại eo hẹp quá! Tôi nhớ mãi câu chuyện của anh Đào Tuấn Việt, người bạn đồng nghiệp ở báo Thương Mại, mà tôi đã mời về làm Phó Giám đốc chi nhánh Nghe Nhìn Hà Nội tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi và anh Việt đã cùng đi thăm ngôi nhà mặt đường tại quận 3. Anh Việt bảo: "Với 3000 mét vuông đã xây 5 tầng mà chỉ có 400 cây vàng, nếu nó trở thành cơ sở 2 của Nghe Nhìn Hà Nội thì đẹp và hoành tráng lắm đấy!" Bốn trăm cây vàng, tương đương với 20 tỷ đồng tiền Việt lúc đó, để có một bất động sản cỡ đó là điều đáng làm. Lúc này, thực lực của Công ty chúng tôi đã khác. Ngôi nhà 26 Hàng Dầu vừa được cấp sổ đỏ, có thể thế chấp để vay 10 tỷ đồng; phần còn lại huy động anh em trong Công ty góp cổ phần để thành lập một công ty trực thuộc tại thành phố Hồ Chí Minh là điều hiện thực. Nghĩ vậy, nhưng phải đợi đến khi về nước, tôi mới có dịp trao đổi với một vài anh em thân thiết. Suy nghĩ chung là háo hức chờ mong cơ hội này, nhưng ai nấy đều đề nghị tôi xin kéo dài thời gian tại chức thêm vài năm để cùng thực hiện dự định táo bạo đó. Tôi lựa lúc báo cáo công tác với anh Đoàn, Giám đốc Đài lúc đó để thăm dò ý kiến. Anh Đoàn hoan nghênh đề xuất mới, nhưng cũng thấy là khó. Chủ trương của Nhà nước lúc này là khuyến khích cán bộ về hưu đúng tuổi, tạo điều kiện cho lớp trẻ vươn lên. Anh Đoàn hứa sẽ xin ý kiến Thành phố rồi trao đổi lại với tôi. Tôi hiểu là muốn làm lớn phải có chí lớn đã đành, lại còn cần một tập thể đoàn kết, đồng tâm hiệp lực. Tôi hình dung điều kiện cần thì có thể, nhưng điều kiện đủ thì chưa chắc lắm. Trong trường hợp ấy mà ép nhau thực hiện thì e rằng sẽ có trở ngại. Tôi tính đến phương án B, xúc tiến việc thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn về quảng cáo. Lúc đầu, định rủ một người cùng Công ty góp vốn, nhưng sau người đó rút lui, để cùng một nhân sự khác lập công ty riêng. Do vậy, công ty của tôi là công ty gia đình; tôi và cậu con cả đã tính phương án hoạt động, dựa trên mối quan hệ của tôi với các đồng nghiệp trong lĩnh vực truyền hình cả nước để cung cấp phim Việt Nam và nước ngoài, đổi lấy quảng cáo. Mọi thủ tục đã sẵn sàng, các công việc ở Nghe Nhìn cũng đang triển khai thuận lợi.
Hôm tôi và anh Sơn đi Thái Bình để cảm ơn đoàn chèo về vở diễn Lưu Bình – Dương Lễ đoàn vừa hợp tác thành công, giúp Công ty đoạt huy chương vàng tại Liên hoan truyền hình năm đó, thì anh Đoàn gọi điện thoại hẹn tôi về làm việc. Nghe giọng nói chậm rãi của đồng chí Giám đốc Đài, tôi hiểu giấc mơ về cơ sở 2 cho Nghe Nhìn không có phép màu để thực hiện rồi. Đành lỗi hẹn với các đồng nghiệp, dẫu biết rằng không ai có thể trách cứ chuyện "người tính không bằng trời tính"!
Gần bốn mươi năm trước, tôi rời đồng quê để bước vào cuộc đời của người cầm bút với mơ mộng về những trang viết. Những trang viết để nói, để đọc trên Đài, không để lại thành sách cho người ta đọc, thơ cho người ta ngâm mà chỉ dành cho gió; gió thổi lên trời! Nói vậy thôi chứ bao nhiêu vùng đất đã theo ngọn gió ấy mà xanh tươi bát ngát; bao nhiêu con người cũng nhờ gió mà bay lên, vượt lên chinh phục những tầm cao đấy thôi. Cuối cùng thì tôi đã được trở về với ngôi nhà của mình, với người vợ thân thương và đàn con đang lớn lên từng ngày.
Hôm chia tay Công ty cũ đầy ắp tiếng cười. Khác với thời 3 không (không tài sản, không việc làm, không tương lai), nay Công ty đã có cơ đồ 26 Hàng Dầu, với đội ngũ cán bộ, nhân viên làm chủ thiết bị sản xuất sản phẩm Nghe Nhìn hiện đại. Tôi nâng cốc chia tay mọi người, không bịn rịn, nhưng lưu luyến, ai cũng muốn nói lời chúc tốt lành với nhau. Tôi bắt tay từng người thật lâu, như không muốn rời xa nhau.
Nhiều năm sau, bạn tôi hỏi: "Anh có giữ lại kỷ niệm gì sâu sắc sau 40 năm ở Hàng Dầu không?" Có chứ; tôi giữ được chiếc chum sành, chắc là người xưa dùng đựng dầu hỏa để bán cho khách. Hồi Thành phố đào đường đặt thêm ống nước, anh em công nhân bới lên chiếc chum đầy bùn đất, vợ tôi đi qua ngỏ ý xin để làm chum đựng nước. Mọi người biết chúng tôi là người nhà Đài, nên đồng ý ngay. Bao nhiêu năm rồi, tôi đã ba bốn lần chuyển nhà, nhưng đi đâu tôi cũng mang theo chiếc chum đựng dầu đó như một kỷ niệm không thể nào quên. Cả một thời thanh xuân, tôi gắn bó với phố Hàng Dầu; từ chiếc bàn gỗ lim ngày ngồi viết, đêm nằm ngủ; từ quán nước gốc đa sau Đền Bà Kiệu, sáng sáng ngồi chè chén năm xu, cho đến ngôi nhà ba tầng, tự tay tôi xin lại và cải tạo thành cơ sở sản xuất phim; từ bàn tay trắng chúng tôi cùng nhau xây lên cơ đồ đáng giá hàng trăm tỷ. Quan trọng hơn, đó là nơi ghi lại bao nhiêu hình ảnh, âm thanh hào sảng, ấm áp, truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ. Chúng tôi đã có tất cả, nhưng tôi không giữ riêng cho mình bất cứ một thứ vật chất nào đáng giá, ngoài chiếc chum sành xin được; chiếc chum đã từng chứa bao nhiêu giọt dầu, thắp sáng bao nhiêu căn nhà, đem lại niềm vui cho bao nhiêu con người, làm nên cả cái tên phố thân thương, còn mãi đến muôn đời con cháu. Ở đấy có vị mồ hôi của tôi và đồng nghiệp, có cả những giọt nước mắt hạnh phúc mỗi khi nhận niềm vui về sản phẩm Nghe Nhìn được khán giả đón nhận, là những kỷ niệm không bao giờ quên!
Tôi rất vui được kể lại với các bạn niềm vui thanh thản đó!
Dương Nội
Mùa hoa sữa, 2023
Chiếc chum sành năm xưa
ĐỌC PHẦN TIẾP THEO
Đỗ Gia Bính
Nhà báo, Doanh nhân, Người hát Karaoke