Cuộc đối thoại trong tưởng tượng
7.4. QUY LUẬT CỦA MUÔN ĐỜI
Đấy là cuốn sách của Nodar Dumbatze, nhà văn người dân tộc thiểu số của Liên Xô cũ, kể về Batsana, nhà văn, nhà báo lớn, khi bị nhồi máu cơ tim phải nằm trong viện. Ông nghĩ: "Con người ta cần ốm nặng ít nhất một lần trong đời; như vậy sẽ có dịp phân tích và đánh giá toàn bộ quãng đường đã qua." Trong tác phẩm đó, Batsana đã trò chuyện với đức cha Clirai và bác thợ giày Bulika để tìm ra lời giải cho những câu hỏi: Hạnh phúc là thế nào? Bản chất của cái thiện là gì? Cuối cùng, ông đã tìm ra câu trả lời. Đó chính là quy luật của muôn đời!
Thật không may là tôi cũng bị một lần ốm như vậy! Vào buổi sáng ngày 24/6/2022, tôi ngủ dậy, đặt chân xuống đất bỗng tưởng như chân không tới đất, mở miệng gọi điện thoại cho con, cảm thấy líu lưỡi. Tôi bị đột quỵ! Một tuần nằm trong viện, và nửa năm dưỡng bệnh dài dằng dặc. Tôi cũng có dịp nhớ lại và suy nghĩ. Thật may là tôi bị cũng nhẹ thôi, và cái bản năng ham sống đã khiến tôi chiến đấu quyết liệt với bệnh tật. Ngày thứ hai vào viện, tôi đã bật dậy, bắt con trai dìu đi quanh bức tường bệnh viện. Và khi ra viện, ngày nào tôi cũng dành một giờ để tập luyện. Tập thở để chữa bệnh hen; tập nói, tập viết và tập hát để khôi phục trí nhớ, giọng nói, cách viết. Nhờ vậy trí nhớ không bị suy giảm. Mọi việc, mọi người trong cuộc sống của tôi vẫn còn hiển hiện trong óc. Tôi nhớ thuở nghèo khổ, chạy vạy nuôi con, nhớ những ngày bị đày đi kinh tế mới, vợ tôi ở nhà một nách ba con nhỏ lại còn chạy thức ăn nuôi mỗi lứa hai con lợn, nhớ thuở đi giao hàng, đi dán phong thư, đi đan lưới, đi buôn lịch, đi thầu báo… có đến hàng chục nghề phụ. May là nghề nào cũng kiếm được tiền nuôi con lớn khôn, học hành tử tế.
Đọng trong trí nhớ của tôi là những người xung quanh tôi đã từng sống, từng vui buồn, ân oán, giận hờn với nhau. Nay có người đã rời cõi tạm, nhiều người còn khỏe mạnh, giàu nghèo, hạnh phúc và bất hạnh... Tôi cảm nhận được điều gì trong hơn 80 năm cuộc đời?
Chụp bên "chú lính chì" ở Đan Mạch
Hạnh phúc nhất là từ ngày nghỉ hưu, tôi luôn cảm thấy cuộc sống thanh thản, không có điều gì ân hận về những việc mình đã làm. Tôi có thể vui vì bạn bè mình, đặc biệt là những người mình đã phát hiện và tìm mọi cơ hội đưa anh em về nơi cùng làm việc với mình, họ đều trưởng thành. Tôi luôn giữ tình cảm trong sáng, thủy chung, không phiền lụy ai cũng không để ai phải lụy mình. Tôi không bao giờ quên những người bạn đã giúp mình, dù là một hộp sữa, cân đường khi mình nuôi con nhỏ, hoặc là những cơ hội tốt đẹp hơn dẫn đến sự thay đổi cuộc sống của mình. Dù đã hơn 20 năm xa cơ quan cũ, nhưng hầu như tôi chưa quên ai và tôi cảm nhận bạn bè vẫn luôn nhớ mình, dù họ ở tận Lâm Đồng hay Sài Gòn, thậm chí đang định cư ở nước ngoài, dù họ vẫn là nhân viên bảo vệ hay đã làm thủ trưởng cơ quan.
Tôi biết, đôi khi bè bạn cảm thấy chạnh lòng về căn hộ nhỏ bé, ở mãi tận vùng sâu vùng xa của tôi, hoặc cuộc sống thanh bạch, đồ đạc đơn sơ mà mọi người nhìn thấy mỗi khi đến thăm. Riêng tôi cảm thấy được an ủi vì chính trong căn phòng nhỏ đó đã giữ gìn hạnh phúc của đôi vợ chồng tưởng như đôi đũa lệch, mà so cả đời vẫn còn là một đôi, đến tận bây giờ. Hơn thế nữa, từ cái nôi ấm áp này, con gái tôi đã tự mình tìm kiếm học bổng để bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Luật tại ngôi trường Sorbonne nổi tiếng xưa nay, và cặp sinh đôi èo uột của chúng tôi đã vượt qua thời bao cấp đói kém, trở thành hai chàng trai khỏe mạnh, học Luật nhưng tự mình mày mò thiết kế chiếc cầu thang "Dôta" đưa vào dây chuyền công nghiệp ra sản phẩm hàng loạt... Bè bạn nói vui rằng chúng tôi có thể biến ngôi nhà phố quen thuộc thành căn hộ chung cư to, rồi nhỏ nơi vùng sâu vùng xa. Thực ra, từ một nơi, giờ dinh cơ nhà chúng tôi có bốn nơi cho bốn gia đình nhỏ. Dù quy mô thay đổi, nhưng tổng số cũng lớn lên theo cuộc sống đấy chứ! Quan trọng hơn, từ một gia đình chúng tôi đã tạo nên bốn gia đình mà vẫn giữ được nền nếp trong sạch, tử tế, gắn kết và hòa nhập, đóng góp dù nhỏ nhưng không làm phiền cộng đồng.
Ước muốn của chúng tôi là dù cuộc sống thay đổi thế nào thì con cháu trong gia đình chúng tôi luôn ngẩng cao đầu mà bước tiếp.
Tuy ở vùng sâu, vùng xa của Hà Nội, nhưng bè bạn chúng tôi vẫn thường xuyên gặp nhau. Đôi khi hứng thú còn cùng nhau tổ chức liên hoan tại nhà tôi. Thu Hồng, Tuyết Nhung, Hùng Phong, vợ chồng Hải Khánh thủ môn, vợ chồng cháu Chi con gái bà Tịnh, có lúc cả vợ chồng Phương Mai, Ngọc Thịnh, Kim Yến phát thanh viên, hoặc Thu Vân từ Sài Gòn ra thăm Hà Nội cũng ghé dự. Có lần, Trần Ngọc Trác từ Lâm Đồng đưa vợ ra thăm anh trai ở Hà Nội cũng không quên đến thăm tôi và đem tặng tôi món mứt gừng nổi tiếng của Huế, để nhắc nhớ câu hẹn hò xưa. Số là, hồi tôi vào làm Trưởng Đài Truyền thanh Vùng kinh tế mới Hà Nội ở Lâm Đồng, tôi đã khuyên cậu ấy đầu quân vào cơ quan chúng tôi và đưa cả vợ con vào Nam Ban lập nghiệp. Ngày đó, tôi và Trác thường cùng nhau ăn chung một nồi canh rau dền nấu với một nắm ớt chỉ thiên và dăm ba hạt muối. Chúng tôi từng nhắc nhau "Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau." Bây giờ, Trác đã trở thành phóng viên chuyên nghiệp và thành nhà thơ, Chủ tịch Hội văn nghệ Tỉnh, vẫn không quên chuyện xưa. Tôi vui vì tình bạn trước sau như một, trải bao năm tháng, chúng tôi vẫn không bao giờ quên nhau.
Quy luật của muôn đời ư? Ở hiền gặp lành, nhân nào quả ấy. Đấy là cái lẽ sống giản dị mà ông bố già nhà quê của tôi vẫn răn dạy chúng tôi từ thuở chưa cắp sách tới trường.
Dương Nội, mùa thu 2024
ĐỌC HỒI KÝ CỦA TÔI
Đỗ Gia Bính
Nhà báo, Doanh nhân, Người hát Karaoke