Cuộc đối thoại trong tưởng tượng
7.2. THUYẾT PHỤC VÀ LÀM TRƯỚC
Có bạn hỏi: "Anh chỉ là trưởng một đơn vị trong Đài, làm thế nào anh tạo ra được những thay đổi như thế?"
Kể cũng lạ; mình thường cơm nhà, vác tù và hàng tổng, việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng. Có lần bạn tôi mời đến dự cuộc họp về đổi mới Tạp chí Mỹ Thuật. Lúc đó, tôi cũng đang hợp tác xuất bản vài tờ tạp chí, nên cũng muốn tìm cơ hội làm ăn. Mở đầu cuộc họp, chủ tọa kêu gọi anh em họa sĩ, anh em nhà báo trao đổi, góp ý xem làm sao cho tạp chí hấp dẫn được bạn đọc. Các cây đa cây đề nhìn nhau, đưa mắt, hất hàm... Rồi cũng có cụ nói đạo lý nghề báo phải đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ của bạn đọc, phải trúng tâm lý của người hâm mộ.
Đồng nghiệp của tôi, anh Trương Hạnh, Phó Tổng biên tập tạp chí, nháy mắt nhìn tôi thân tình giới thiệu:
Tôi lễ phép đứng dậy, cúi đầu chào mọi người:
Tôi vừa ngồi xuống đã thấy một cụ già đứng phắt dậy. Thì ra đó là nhà viết hài kịch Lộng Chương. Mới nghe tiếng đã biết là nhiều ngoa ngữ rồi. Ông nói:
Bìa Tạp chí Mỹ thuật số tháng 7-8/2017
Tôi vội đứng dậy: "Cháu xin phép ngắt lời bác, xin bác tha cho, bác mà nói thêm nữa thì cháu không còn chỗ đứng ở đây nữa đâu ạ!"
Nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi. Và, hai tháng sau, Tạp chí Mỹ Thuật ra bộ mới thật ấn tượng. Một vạn, rồi hai, ba vạn bản phát hành cả nước. Sau hôm tạp chí ra bộ mới, anh Trương Hạnh gọi tôi đi uống bia, thủ thỉ:
Đó là khoảng thời gian cuối những năm 1980. Bài học về thuyết phục cộng đồng, tôi được học từ năm 1976, khi tôi làm luận văn tốt nghiệp đại học. Khi đó, tôi hỏi giáo viên chủ nhiệm:
Thầy chủ nhiệm tìm hiểu về Đài Truyền Thanh của chúng tôi, rồi ôn tồn nói:
"Đúng là một ngành mới; anh học chuyên về quản lý ngành, đề xuất đổi mới quản lý ngành là thiết thực. Vấn đề là anh phải thuyết phục được cơ quan chủ quản thấy sự hợp lý, tính khoa học, tính thực tiễn của luận văn."
Tôi đã phân tích thực tiễn đề xuất đổi mới tổ chức theo mô hình một tờ báo nói, có thí điểm làm báo hình; bên cạnh đó là hai xí nghiệp mở rộng mạng lưới và quản lý sửa chữa loa của thành phố, tương tự như nhà in và cơ quan phát hành của tờ báo viết. Cái đuôi của chức năng quản lý ngành thì tạm xếp nó vào một phòng, khi nhà nước sắp xếp lại thì bàn giao nó sang cơ quan mới. Tôi trình bày nội dung trên với Giám đốc Đài, tranh thủ ý kiến các chuyên gia quản lý văn hóa thông tin của Ủy ban, và theo chân Giám đốc Đài lên trình bày với ông Nguyễn Bắc, Ủy viên Thư ký Ủy ban Nhân dân thành phố, người được giao phê duyệt đề xuất này.
Nửa năm sau, ngày 06/01/1978, Ủy ban Nhân dân Hà Nội ra Quyết định số 41/QĐ-UBND phê duyệt đề án đổi mới bộ máy tổ chức quản lý Đài Phát thanh Hà Nội. Bản luận văn của tôi là nội dung chính của Quyết định này. Đấy là lần đầu tiên tôi phải tự mình thuyết phục các cấp trên về đề xuất nội dung quản lý ngành.
Từ đấy, tôi mắc nợ với ngành học mà mình theo đuổi: Quản lý Ngành Công nghiệp. Làm báo là một nghề, còn quản lý ngành là một nghiệp, nó theo tôi suốt chặng đường còn lại. Tôi phải chứng minh rằng báo chí, truyền thanh, truyền hình là những ngành công nghiệp, cần được quản lý lao động bằng định mức; và do đó, Đài Hà Nội cần có định mức tin bài và công việc cho phóng viên, cũng như cần được dùng ngân sách để trả nhuận bút vượt định mức trong khi không được tăng biên chế.
Công việc quản lý ngành đã thực sự lôi cuốn tôi, khiến tôi trở thành Trưởng Phòng Tòa Soạn. Tôi say mê nghiên cứu các biện pháp nâng cao chất lượng tin bài. Tôi đã đề xuất xin cấp trên cho thành lập công ty chuyên sản xuất các chương trình văn nghệ của Đài, gọi là Công ty Nghe Nhìn, trực thuộc Đài. Các đề xuất của tôi đều được thành phố chấp nhận và đang triển khai. Giữa lúc ấy thì Đài Hà Nội có Giám đốc mới. Ông Giám đốc này thấy không cần phải nghiên cứu gì nhiều, nên chuyển tôi sang làm Giám đốc Công ty Nghe Nhìn Hà Nội, để rộng đường cho "trăm hoa đua nở"!
Mùa hoa đầu tiên là các phòng ban của Đài đều làm truyền hình, không còn Ban Truyền hình riêng nữa. Ai cũng làm truyền hình được! Và nay, cả Đài cùng vui vì được làm truyền hình! Mùa hoa tiếp theo còn vui hơn nữa: các phóng viên, cán bộ của Đài, ai có con muốn làm truyền hình thì xin chuyển về Đài; Đài sẽ nhận tất! Không những người nhà Đài mà họ hàng nhà Đài cũng vui, không phải là vui âm ỉ nữa, mà là vui tưng bừng, không cần biết hậu quả, không cần biết ngày mai Đài sẽ hái hoa ở đâu để có tiền trả lương cho nhân viên của mình. Nếu tôi mà nói ra điều này, sẽ có người bảo: "Ai khiến anh lo cái chuyện con bò trắng răng!"
Nói thế thôi chứ nhiều chuyện “bò trắng răng” sau này cũng có ích lắm đấy! Như cái chuyện quyền thừa kế ngôi nhà 61 Đinh Tiên Hoàng chẳng hạn. Hồi đó tôi vừa nhận nhiệm vụ quản lý Công ty Nghe Nhìn được vài tuần thì có giấy mời dự phiên tòa sơ thẩm mà công ty là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan. Biết không thể tránh được, nên tôi đến cho có mặt rồi tìm cách né cho hợp lệ. Sớm muộn họ cũng xử phúc thẩm, mình chắc chắn phải phát biểu rõ ràng trước Tòa. Tôi âm thầm chuẩn bị. Cũng may, cậu Soàn, người mà tôi đã đưa về Đài làm phóng viên, lại có ông anh là Chu Đức Hinh, Trưởng phòng Địa bạ Sở Nhà đất Hà Nội, đúng cái tổ “con tò vò” mà tôi cần tìm. Số là cửa hàng 61 Đinh Tiên Hoàng của công ty chúng tôi vốn thuộc sở hữu của Nam Hoa Thư Xã, nơi đã được công tư hợp doanh năm 1956; nhưng khi Nhà nước giao cho Đài Truyền thanh quản lý để làm nơi mở dịch vụ sửa chữa loa và thiết bị truyền thanh cho người dân thành phố, thì chỉ ra lệnh miệng với nhau chứ chẳng có văn bản giấy tờ nào! Ấy cái thuở ấu trĩ quản lý Nhà nước của thủ đô nó như vậy!
Tôi thân tình gặp anh Hinh nói rõ đầu đuôi sự tình và đề nghị anh giúp tìm lại văn bản công tư hợp doanh thời ấy. Anh Hinh gật đầu: “Có thể có... để xem lại hồ sơ xem sao.” Theo lời anh Hinh kể lại, anh ấy đã phải lục tung đống hồ sơ của cơ quan, tìm cả tuần cũng chẳng thấy gì. Đồng nghiệp của anh mách: “Hay là qua kho tài liệu lưu trữ của Quốc doanh phát hành sách xem sao.” Cuối cùng, mày mò mãi, anh Hinh cũng tìm cho tôi được tờ giấy khổ vở học trò ghi biên bản công tư hợp doanh Nam Hoa Thư Xã, trong đó có câu ghi chú, mà đọc mãi tôi vẫn không thể tin được: “Riêng cửa hàng 61 Đinh Tiên Hoàng khi nào công tư hợp doanh thì Nhà nước trả tiền ‘tức’ cho chủ nhà Nam Hoa.”
Kèm theo tờ biên bản ấy là ba tờ hóa đơn, cũng là bản sao thôi: Hóa đơn trả tiền “tức” (là tiền lợi nhuận, do công tư hợp doanh mà có) các năm 1956, 1957, 1958. Số tiền mà nhà Nam Hoa nhận được 2 năm liền kề năm 1956 đều tăng hơn đáng kể. Đấy, văn bản pháp lý, cái chứng cớ quan trọng nhất cho việc sử dụng cửa hàng 61 Đinh Tiên Hoàng chỉ có vậy. Nó sơ sài, ấu trĩ một cách ngạc nhiên như vậy, nhưng nó cũng là sự thật một cách hiển nhiên như thế đấy.
Tôi cất mấy tờ bảo bối này cẩn thận còn hơn cả tài liệu mật. Hôm nhận được giấy triệu tập dự phiên tòa phúc thẩm vụ 61 Đinh Tiên Hoàng, tôi lập tức trình bày với luật sư Lê Kim Quế, người bảo vệ cho quyền lợi của công ty chúng tôi trong vụ kiện này, đồng thời ông cũng là người đương quyền Chủ tịch Đoàn Luật sư Hà Nội. Luật sư nói: “Các anh khá thật, còn tìm được mấy cái bản sao này nữa chứ! Tất cả chứng cứ là đây; có giấy tờ này thì Tòa nào dám đòi quyền sở hữu cửa hàng đã đưa vào hợp doanh nữa.”
Tôi lập tức điện thoại cho các đồng nghiệp Đức Lệ (Đài Hà Nội), Đức Thà (Báo Hà Nội Mới) và Mai Phong (Báo Nhân Dân), để mời dự phiên tòa phúc thẩm mà công ty chúng tôi có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tại phiên tòa, ngoài tôi, đoàn Công ty Nghe Nhìn còn có luật sư Lê Kim Quế và ba nhà báo đồng nghiệp nói trên. Từ đầu đến cuối phiên tòa chúng tôi chỉ ngồi nghe, có lúc ghi chép, có lúc trao đổi với luật sư, khi được mời, thay mặt công ty phát biểu trước tòa, tôi vẫn tranh thủ hỏi luật sư lần nữa. Luật sư gật đầu: “Anh cứ nói đàng hoàng.”
Tôi lên chỗ phát biểu dành cho các đương sự:
Tôi nói thì dõng dạc như vậy, nhưng Tòa vẫn đưa ra bản án, và mấy hôm sau họ tống đạt bản án yêu cầu tôi ký nhận và thi hành. Mỗi lần Tòa yêu cầu là một lần chúng tôi gửi văn bản trình bày, đồng thời gửi khiếu nại đến các cấp có thẩm quyền đề nghị xem xét. 10 năm trời như vậy; cho đến cả sau khi tôi nghỉ hưu, sự việc vẫn diễn ra như vậy. Đương nhiên, trong suốt thời gian ấy công ty vẫn quản lý và sử dụng cửa hàng 61 Đinh Tiên Hoàng.
Và, một chuyện rất ly kỳ… bây giờ tôi mới kể. Không ai có thể ngờ rằng trước lúc tòa xét xử, cửa hàng này đã được “chủ nhân hờ” của nó đứng ra bán cho một người xa lạ. Trong một ngày trời mưa to gió lớn, người mua ấy đã tìm đến tôi cầu cứu. Đó là một bà chị đầy quyền uy trong giới chúng tôi. Bà chị ấy nói rằng: “Chú ơi, bản án đã xử và đã có hiệu lực thi hành, chú chỉ việc ký để thi hành theo lệnh của tòa án thôi, chứ chú có làm gì sai đâu mà ngại.” Đường đường giấy trắng mực đen thì như vậy; nhưng, ở đời thành bại nhiều khi nhờ vào chữ “nhưng” ấy. Tôi càng thuyết phục bà ấy càng dỗ dành, có lúc còn ý tứ nói đến món quà không ai có thể nhìn thấy nhưng nó long lanh như thế nào. Trong một bữa ăn trưa thân mật, tôi cũng hết sức thân mật nói với bà: Của cải bao giờ cũng có sức hấp dẫn, nhưng phải là thứ hợp pháp thì mới quý, của phi pháp có đến rồi cũng đi thôi. Là người quen, tôi phải nói rõ là bà chị bị lừa rồi. Đây là tài sản công tư hợp doanh, theo Hiến pháp không bao giờ trả lại cho chủ cũ. Chị nên sớm kết thúc vụ việc đi kẻo tiền mất, tật mang đấy. Tôi nói đến đây thì “bà chị quyền uy” đó không năn nỉ nữa. Chẳng hiểu bà ấy có đòi được tiền đã đặt mua cửa hàng này không, hay là cả trăm cây vàng đã đi theo giấc mơ giữa ban ngày của bà chị quyền uy nọ.
Một góc phố Đinh Tiên Hoàng ở Hà Nội
Gặp lại các chiến hữu thời doanh nhân
Đi công tác Trung Quốc
Mười năm trôi qua, dài dằng dặc; đến nỗi lúc này không ai còn nhớ là có phiên tòa xét xử vụ 61 Đinh Tiên Hoàng nữa, thì bỗng một hôm cậu Bình, lúc đó vẫn là Phó Giám đốc Công ty gọi cho tôi: "Tòa án đã quyết định trả lại Cửa hàng 61 Đinh Tiên Hoàng cho Công ty rồi. Anh em đang vui quá, vậy báo cho anh cùng vui."
Tôi vui vì chân lý đã thắng. Tôi vui vì sự kiên định thuyết phục mọi người đã thành công. Một quyết định pháp lý mà chỉ có một mảnh giấy nhỏ có thể cho người ta tìm ra sự thật, khiến bao người mừng vui, và bao người khác thất vọng. Tôi vui theo kiểu AQ vậy thôi, chứ tôi biết cái cơ đồ có giá trị mấy trăm tỷ ấy là cơ đồ của người ta, của Nhà nước; mình chỉ được ngắm nhìn khi mình đang làm việc ở đấy thôi; khi mình hoàn thành nhiệm vụ rồi không ai còn nhớ mình đã lao tâm khổ tứ cho cái sự nghiệp ấy như thế nào đâu! Vào cái thuở “nhân chi sơ” ấy, cả thế hệ chúng tôi đều “tính bản thiện” như thế cả.
Tôi đề xuất phong trào thanh toán trình độ dưới đại học, tôi lại tự mình vận động Hội và Hiểu cùng nhau đi học bổ túc để hơn 4 tháng sau thi vào trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Tôi hăng hái đề nghị thí điểm làm truyền hình, rồi lại tự mình dẫn đầu đoàn công tác đi Sài Gòn mua thiết bị làm phim. Có ba chiếc máy quay phim nhựa và một số thiết bị kèm theo, thế là cả Tổ Biên tập Truyền hình đầu tiên chỉ có 5 người lao vào khám phá, học hỏi, làm việc ngày đêm, không còn biết mệt mỏi, thậm chí không ý thức tai họa đang rình rập như thế nào nữa. Truyền hình Hà Nội ra hàng tháng, rồi hàng tuần, hàng ngày, rồi phát sóng xuyên đêm tường thuật Giải Bóng đá thế giới. Không chỉ có chúng tôi vui, mà nhiều người Hà Nội mừng ra mặt. Hồi tường thuật bóng đá đêm, có người đem bia, thuốc lá, đồ ăn ủng hộ, có người làm thơ khen ngợi; chẳng thể nào ngờ là cũng có người nghĩ ra được một cái đơn phát hiện: Ông Bính mang hàng vạn đồng Giải phóng đi Sài Gòn mua máy quay phim liệu có gì mờ ám không?
Đơn gửi đi là họ xì xào ngay, tin thất thiệt lan truyền ngay. Tôi và anh Thu, và cả anh Phúc bên Công an thành phố là những người được giao công việc ấy nhìn nhau, không biết là chuyện gì đang xảy ra nữa. Chúng tôi vào Sài Gòn khi cả nước đang thực hiện Giá Lương Tiền, Sài Gòn vừa đổi tiền xong. An ninh, trật tự chưa thật ổn, đời sống người dân sau Giải phóng còn khó khăn. Đoàn chúng tôi ở nhờ trong trụ sở Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố, ngày hai bữa ăn bo bo, đi lại bằng chính đôi chân của mình. Mỗi lần mua món hàng gì đều cả đoàn đi xem, rồi hỏi chuyên gia bên Đài Truyền hình Thành phố, rồi xin ý kiến lãnh đạo Đài Hà Nội. Tiền mặt mang theo được gửi vào két sắt của đài thành phố, mỗi cuộc thanh toán tiền đều có đề nghị chi, có xác nhận của lãnh đạo Đài Tiếng Nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Mọi thủ tục thanh toán đều có chứng nhận của Ban Cải tạo Tư bản tư doanh cấp quận, huyện... chúng tôi đã làm rất nghiêm túc các thủ tục theo quy định.
Tôi nhớ, hôm sang Ủy ban Thành phố Hà Nội nhận thủ tục lĩnh tiền, anh Ngô Quốc Hạnh, Phó Chủ tịch căn dặn: "Cậu là phóng viên có thể chưa quen với các thủ tục hành chính, nhưng phải cố mà quen, mà thuộc và làm cho đúng quy định, tránh phiền phức về sau." Quả nhiên, khi cày cuốc, gieo trồng không ai chia sẻ đâu, nhưng khi có hoa thơm quả ngọt thì coi chừng cả làng đều muốn biết đấy! Cuộc thanh tra khá phiền phức, kéo dài hàng tháng. Theo lời căn dặn của anh Ngô Quốc Hạnh, tôi đã xin Ban Cải tạo Tư bản tư doanh cấp quận nơi cư trú của người bán hàng chứng nhận cho hai bản, một bản nộp cho cơ quan lưu trữ hồ sơ quyết toán, một bản tôi tự giữ để phòng thân. Khi làm việc với đoàn thanh tra, tôi chủ động nộp trước văn bản đó để họ đối chiếu. Kể cũng phiền phức nhưng may, thật rõ ràng.
Đoàn thanh tra kết luận chúng tôi đã chấp hành đúng quy định của Thành phố, còn khen anh em đã giữ vững nếp sống Người Hà Nội dù cuộc sống thiếu thốn vất vả, nhưng vẫn giữ được tinh thần lạc quan, kỷ luật. Có đồng chí hỏi thêm vì sao mỗi anh em đều mua được một chiếc xe đạp mini? Cũng đơn giản thôi. Anh Tin, chủ nhiệm Công ty Kim khí Hóa chất Sài Gòn, vốn làm thương nghiệp từ hồi công tác ở Hà Nội; vào đây gặp tôi, anh ấy gợi ý: "Xe đạp mini là loại hàng tự doanh của công ty, nếu các đồng chí có nhu cầu thì Công ty có thể bán." Chúng tôi đã mua bằng tiền của mình mang theo, không xà xẻo dù chỉ một đồng công quỹ.
Hôm công bố kết luận thanh tra, anh Thú, lúc bấy giờ là Thư ký Tòa soạn vỗ vai tôi: "Số cậu có sao quả tạ chiếu mệnh, làm gì cũng vất vả, quyền rơm vạ đá. Bao nhiêu năm cặm cụi cày cuốc, cũng chưa một ngày được hái hoa thơm quả ngọt!" Tôi ngẫm bản thân mình, muốn làm gì cũng tự mình đề xuất, tự mình thuyết phục mọi người rồi lại tự mình làm trước, có thế mới thành công; nhưng thành công là thành quả của tập thể, của chung mọi người, cứ như là kiếp trước tôi nợ đời chưa trả, kiếp này phải đền bù. Tôi tuổi Thìn, cầm tinh con rồng, quanh năm phun nước phục vụ người đời, mình thì sống với mây với gió. Mệnh nó như vậy rồi, than hay trách cũng chẳng thay đổi được đâu, suy cho cùng chỉ vợ con, gia đình tôi chịu thiệt.
ĐỌC TIẾP PHẦN 7.3
Đỗ Gia Bính
Nhà báo, Doanh nhân, Người hát Karaoke