Phần 7 - Đối thoại ảo

Cuộc đối thoại trong tưởng tượng

7.1. THAY ĐỔI THẾ GIỚI TRƯỚC HẾT LÀ THAY ĐỔI XUNG QUANH MÌNH

Mới nghe nói "Học để thay đổi thế giới" thì có vẻ choáng. Thực ra, những người có chí thì đều làm được điều này. Nói đâu xa, ông Hồ cũng nhờ ý chí thay đổi đất nước, mà lặn lội khắp bốn phương trời, học hỏi người ta, rèn rũa ý chí của mình mà trở thành nhà cách mạng, tập hợp được mọi người Việt Nam đứng lên giành độc lập cho dân tộc. Sự nghiệp vĩ đại đó dành cho người được cả dân tộc, cả thế hệ ủy thác. Mỗi một con người, muốn có sự nghiệp cũng đều phải học, phải có ý chí, phải vật lộn với đời sống.

Gặp lại thày Huyến và bạn đồng môn Chu Văn An

Một góc Trường Chu Văn An - Trường Bưởi xưa

Trước khi tôi từ nhà quê Xuân Đỉnh, bước vào trường Bưởi, Chu Văn An, bố tôi đã bảo thế. Đại ý, ông nói: "Cả làng này chỉ có mấy đứa như con, có phúc lọt được vào cái trường nổi tiếng ấy. Đây là dịp may hiếm có, con phải chịu khó học để hiểu biết nhiều điều, sau này vào đời biết cách mà sống, mà tiến thân, có cơ hội thì đóng góp cho xã hội, thay đổi bản thân mình, đem lại vẻ vang cho gia đình, dòng họ.”

Tôi đã vào trường Bưởi - Chu Văn An với kỳ vọng của ông bố già, mong muốn con tiến xa hơn. Ba năm sau, vào mùa hè năm 1958, tôi thi hết cấp 2; và do gia đình thành phần nông dân nên được tuyển thẳng vào cấp 3. Đúng lúc bản danh sách trúng tuyển cấp 3 được niêm yết thì quê tôi phát động phong trào tổ đổi công, chuẩn bị tiến lên hợp tác xã. Nhà tôi khi ấy có hơn mẫu ruộng công được chia theo đầu đinh, và nửa con bò. Bố tôi, tuy đã ngoài 60, nhưng vẫn túc tắc cày bừa, rồi thuê người cấy hái, mỗi năm cũng kiếm đủ thóc gạo, rau cỏ nuôi sống hai bố con. Giờ vào tổ đổi công, sức già, liệu thu nhập được bao nhiêu? Tôi 18 tuổi, phải cùng bố suy nghĩ, tính toán việc này. Tôi tiếp tục đi học, bố sẽ một mình gánh vác việc đồng áng, tuổi già sẽ khó kham nổi công việc. Nếu nghỉ học, tôi sẽ bỏ lỡ cơ hội tiến thân. Nhưng cũng chẳng có thì giờ nghĩ lâu. Ngày nộp hồ sơ nhập học đến nơi rồi… Tôi trở lại trường sinh hoạt Đoàn lần cuối. Bạn bè truyền tay nhau đọc bài thơ "Lên miền Tây" của Bùi Minh Quốc. Lời thơ sang sảng, sức cuốn hút thật mạnh mẽ. Đã có nhiều bạn học ghi tên lên miền Tây. Huy Bảo, bạn cùng lớp, ghi tên lên Tây Bắc dạy học; mấy hôm sau lại nhận tin Bùi Hồng Hảo, bạn học lớp dưới, ghi tên đi công trường gang thép Thái Nguyên. Không chần chừ nữa, tôi không nộp hồ sơ vào lớp 8, và tối hôm ấy tôi báo tin cho bố: “Con sẽ thôi học, ở nhà làm ruộng với bố.” Bố tôi chép miệng: “Phí mấy năm đèn sách, giờ lại thành thợ cày."

Về quê năm ấy sau Sửa Sai, tôi lao vào học cày, bừa, cấy hái. Ngày nào cũng dậy từ 4 giờ sáng đi cày. Trưa về, ăn vội mấy củ khoai rồi đi dạy lớp vỡ lòng. Rời lớp học lại về Văn phòng Ủy ban Xã thường trực với nhiệm vụ Thư ký Ủy ban. Vào thời ấy, ở nông thôn tối nào cũng họp. Họp Đoàn, họp Đội, không thì cũng tập văn nghệ, hoặc dạy bổ túc văn hóa, nhiều hôm 12 giờ đêm mới đi ngủ; sáng hôm sau lại tiếp tục vòng quay như cũ. Tuổi trẻ háo hức, việc gì cũng nhận, khó khăn nào cũng vượt được. Tôi trở thành Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp thôn, và là điển hình xây dựng nông thôn mới, hầu như tuần nào cũng được mời đi báo cáo điển hình. Từ Nhà máy Điện Yên Phụ đến Tổng cục Lâm nghiệp, Quận ủy Ba Đình, Bộ Lao động, Trường Nguyễn Công Trứ, và tất nhiên là trường cũ của tôi. Tôi kể chuyện học làm ruộng với các bạn học, chuyện quản lý nông nghiệp với các cơ quan, chuyện xây dựng các tổ chức chính trị xã hội ở nông thôn… rồi tôi làm ca dao, hò vè, viết bài cho báo Thủ Đô Hà Nội, và Đài Truyền thanh Thành phố… Điều tôi không ngờ là từ cuối năm 1960, khá nhiều cơ quan muốn tuyển tôi vào làm. Tổng cục Lâm nghiệp cử cán bộ về ngỏ ý tuyển tôi vào học lớp quản lý nông trường, Nhà máy Cao su Sao Vàng muốn đưa vào danh sách đi Trung Quốc đào tạo bộ khung quản lý nhà máy, và nhiều nơi nữa, nhưng không đề nghị nào được Ủy ban Xã tôi chấp thuận.

Tôi trở về đồng ruộng dễ dàng bao nhiêu thì lúc ra đi khó khăn bấy nhiêu. Sáu tháng liền tôi ở trong tình trạng thấp thỏm, luôn luôn bị cấp trên nhắc nhở không được đứng núi này trông núi nọ. Đang lúc chán nản, không còn muốn nghĩ đến chuyện đi đâu nữa, thì một ông cán bộ ở Đài Truyền thanh về thăm và đặt vấn đề đưa tôi đi làm phóng viên. Tôi kể chuyện cũ cho ông ấy nghe và thở dài: “Có lẽ số tôi nó gắn vào vùng quê này rồi.” Ông này rất tự tin, nói: “Chỉ cần cậu quyết tâm, vì công việc này rất khó, phải học nhiều thứ, phải đi nhiều nơi, phải tiếp xúc với nhiều lớp người khác nhau… Nếu cậu dám hứa quyết làm bằng được thì chúng tôi sẽ lo thủ tục tuyển cậu về Đài." Tôi nói là khó như học cày ruộng tôi còn làm được, thì khó gì tôi cũng vượt qua được. Ông cán bộ nhà Đài cười lớn: "Cày ruộng là việc dễ vào loại nhất đấy, anh bạn trẻ ạ!”

Tiễn ông cán bộ ấy rồi, tôi hồi hộp đợi và liên tục viết mấy bài liền cho Đài, nhưng chỉ có một bài được phát. Tâm trạng càng căng thẳng. Nhưng thật bất ngờ…

Đầu tháng 4 năm 1961, quyết định của Thành ủy Hà Nội điều động tôi về Đài Truyền thanh Thành phố làm việc, được gửi về Chi bộ Xã. Người sửng sốt nhất khi nhận văn bản ấy không phải là tôi, mà là ông Bí thư Chi bộ Xã. Ông bảo tôi: "Cậu chán làng quê này rồi à?" Thấy tôi ngơ ngác, ông nói tiếp: "Cậu là cán bộ chủ chốt của xã, không thể đi đâu được. Để tôi lên Quận phản ánh việc này."

Ông Bí thư lên Quận thật, nhưng kết quả không như ông mong muốn. Và tôi chuẩn bị bàn giao công việc để đi làm phóng viên, cái nghề chưa một lần xuất hiện trong ý nghĩ của tôi.

Làm phóng viên! Thực chất đây cũng là một lớp học mới: lớp học nghề mà vào thời ấy cũng chưa có một trường đào tạo nào. Các phóng viên trẻ nhất của Đài Hà Nội lúc đó cũng chỉ được học qua một lớp cấp tốc do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Nhiều năm sau, khi tôi đã làm phóng viên, nước ta mới có lớp Báo chí trực thuộc Trường Tuyên giáo Trung ương. Sau khi nước nhà thống nhất, nước ta mới có Học viện Báo chí, đồng thời có Khoa Báo chí thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Trở lại với chủ đề "học để thay đổi thế giới". Phải đến bây giờ, khi đã đi gần hết đời người, tôi mới nhận ra thay đổi thế giới trước hết và thực chất nhất vẫn là thay đổi chính mình và cuộc sống xung quanh mình; chỉ có như vậy mình mới đủ sức đóng góp vào cuộc thay đổi thế giới.

Với cái vốn văn hóa cấp 2, những năm đầu làm người nông dân tập thể, tôi biết nghĩ đến việc lập quy hoạch sản xuất, chọn ra nơi trồng màu, nơi cấy hai vụ lúa; trên cơ sở đó để lập kế hoạch làm thủy lợi, kế hoạch chọn giống, kế hoạch đào tạo nhân lực. Năm thứ hai, bắt tay làm thủy lợi cho cánh đồng chuyên cấy một vụ lúa, trồng một vụ rau màu. Cà bát quê tôi được gọi là “cà Cáo” giòn tan, muối mặn để ăn quanh năm. Còn bí xanh thì cùi dày, quả sai, đã trở thành loại nguyên liệu làm mứt Tết nổi tiếng. Giống bí ấy đã khiến ông Nghĩa ở làng tôi trở thành ông chủ cửa hàng mứt bí ở phố Hàng Than, Hà Nội. Sau này, khi Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới, quê tôi trở thành vùng sản xuất bánh Trung thu cho các hãng bánh kẹo ở Hà Nội, gắn đủ các loại mác: Hữu Nghị, Thủ Đô… Hợp tác xã của tôi mới năm đầu thành lập gần 100 hộ, ruộng đất còn manh mún, chia cắt; kế hoạch cũng chỉ làm được từng vùng nhỏ, nhưng làm đến đâu bà con nông dân thích thú đến đấy. Tôi bắt đầu mơ về cánh đồng rộng lớn hơn vào những năm sau. Tôi nghĩ đến hàng chục mẫu ruộng ở cánh đồng Thiên Niên giáp giới với làng Bưởi, mỗi năm chỉ cấy được một vụ, có thể trở thành một vùng hồ nuôi cá… Giấc mơ đang thành hình, bỗng nhòa đi.

Bây giờ là một giấc mơ khác.

Trở thành phóng viên được một năm, tôi đã được đón tin vui. Với sự chỉ dẫn tận tình của anh Hà, Tổ trưởng Tổ phóng viên Ngoại thành của Đài, tôi bắt đầu quen việc. Tôi đã có tin bài được giải thưởng của Hội Nhà Báo. Hôm lĩnh thưởng, được dự Đại hội của Hội Nhà Báo Việt Nam, được làm quen với rất nhiều nhà báo nổi tiếng: Hoàng Tùng, Xích Điểu, Phan Quang... được nghe nhiều bài phát biểu về sứ mệnh của báo chí, trách nhiệm của người làm báo... mọi ý kiến đều cổ vũ đội ngũ phóng viên ra sức học hỏi, phấn đấu hết mình, tôi càng nghe càng phấn khích, càng mong muốn trưởng thành.

Nhưng về đến cơ quan thấy băn khoăn quá, không biết làm thế nào để vươn lên. Mình mới học hết cấp 2, cả cơ quan gần như cũng sàn sàn vậy, người học cao nhất cũng chỉ đến lớp 10 là đỉnh! Tôi ngỏ ý muốn đi học thêm. Anh Hà khuyến khích. Lớp trẻ chúng tôi rủ nhau đi học tiếng Nga. Có người muốn học bổ túc văn hóa cho hết cấp 3. Mấy anh em chúng tôi trao đổi với nhau rồi đề đạt với Đài. Lãnh đạo Đài khuyến khích: các cậu muốn học thêm văn hóa thì tốt, nhưng cần bàn trong Chi hội Nhà Báo xem tổ chức học thế nào cho hiệu quả, kẻo lại đầu voi, đuôi chuột. Bấy giờ là năm 1970, Trường Trung cấp Xây dựng Hà Nội sơ tán về xã tôi; anh Giu, bạn học cùng làng tôi, đang làm giáo viên ở đó. Tôi ngỏ ý nhờ anh Giu tổ chức lớp; anh Giu nhận lời và bàn với trường. Nhà trường rất nhiệt tình nhận bổ túc kiến thức Toán, Lý, Hóa cấp 3 cho một số phóng viên có nhu cầu học để thi vào đại học các ngành kinh tế, kỹ thuật. Chi hội Nhà Báo của Đài đứng ra đề nghị Đài cho phép một số anh em có nhu cầu học được nghỉ công việc một thời gian khoảng 5 tháng để theo lớp văn hóa, học ghép với học sinh Trung cấp Xây dựng (cũng bổ túc văn hóa cấp 3 Toán, Lý, Hóa như chúng tôi). Tôi và các anh Hiểu, Hội theo lớp đầu tiên. Chúng tôi học như đánh vật với các công thức toán học; nhưng không có cách nào khác để được thi vào đại học, nên khó đến đâu chúng tôi cũng phải cố. Thật may, sau 5 tháng học và cũng là luyện thi luôn, cả ba chúng tôi đều đỗ vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, khoa Tại chức. Các năm sau, nhiều anh chị em có trình độ lớp 10 đều được Đài khuyến khích theo học các lớp đại học tại chức thuộc nhiều ngành khác nhau; một số anh em trẻ hơn như Đức Lệ, Ngọc Thịnh… thì được cử đi học Đại học Báo chí chính quy.

Mô hình canh tác cũ

Toàn dân nghe loa phóng thanh

Lứa phóng viên đầu tiên trưởng thành với Đài Truyền thanh Hà Nội

Thấm thoắt 5, 6 năm sau, Đài Truyền thanh Hà Nội đã phổ cập trình độ đại học cho toàn thể phóng viên dưới 50 tuổi! Năm 1976, chúng tôi đạt được trình độ đó, đã coi như là kỳ tích. Vào thời đó, trình độ công chức Hà Nội phổ biến vẫn là trung cấp hoặc lớp 7 phổ thông. Cuộc thay đổi đó làm cho chúng tôi có chung nền tảng hiểu biết để học hỏi và bàn bạc các công việc chuyên môn, kéo theo nhiều cơ hội tiếp cận đời sống xã hội đang phát triển sau ngày thống nhất đất nước. Với riêng tôi, đây là cơ hội để tôi tiếp xúc với kiến thức cơ bản về quản lý nền công nghiệp, mạnh dạn đề xuất đổi mới tổ chức bộ máy quản lý của Đài, làm rõ chức năng của một tờ báo nói, đề xuất thí điểm làm tờ báo hình, và tách chức năng quản lý ngành, quản lý xí nghiệp thành một hệ thống tổ chức riêng. Luận văn tốt nghiệp của tôi đã đề cập các vấn đề đó và trở thành nội dung đề xuất “Đổi mới bộ máy tổ chức và quản lý Đài Phát thanh Hà Nội”, được Ủy ban Hành chính Thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định 41/QĐ-UB HN, có hiệu lực thi hành từ ngày 06/01/1978, tạo ra một bước ngoặt lớn trong sự phát triển của Đài. Từ một đài truyền thanh tiến lên phát thanh và truyền hình, từ một cơ quan báo chí kiêm quản lý ngành, các Đài Truyền thanh địa phương được thành lập và từng bước tách ra trực thuộc sự quản lý của ngành Văn hóa Thông tin. Công ty, xí nghiệp đều hạch toán lỗ lãi rõ ràng. Đấy chẳng phải là một sự thay đổi lớn hay sao? Sự thay đổi khiến nơi mình làm việc từ lạc hậu, tiến lên kịp với thế giới, rất đáng tự hào! Sự thay đổi khiến tôi nhận ra muốn thay đổi thế giới, trước hết phải thay đổi hoàn cảnh xung quanh mình.

ĐỌC TIẾP PHẦN 7.2

Thuyết phục và làm trước

Đỗ Gia Bính

Nhà báo, Doanh nhân, Người hát Karaoke

Liên hệ với tôi

binh.dogia@gmail.com

098687 5224

Khu đô thị Dương Nội, Phường Dương Nội,

Hà Đông, Hà Nội